Giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh

Lấy chất lượng kỳ họp làm đầu, kinh nghiệm tổ chức kỳ họp HĐND rất được Thường trực HĐND tỉnh chú trọng sau mỗi kỳ họp. Hội nghị giao ban với chủ đề giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh vừa được diễn ra tại huyện Cầu Kè, cho thấy có khá nhiều việc phải làm để tổ chức một kỳ họp HĐND đạt chất lượng.

Kỳ họp là hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của HĐND để xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Tại kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực, các ban HĐND, UBND và các cơ quan chức năng, thực hiện quyền chất vấn; biểu quyết thông qua các nghị quyết thuộc thẩm quyền. Kỳ họp còn là diễn đàn để cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND, UBND, các sở, ngành… Thời gian qua, công tác tổ chức kỳ họp của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND 03 cấp đã tổ chức được 985 kỳ họp (cấp tỉnh: 10 kỳ họp, cấp huyện: 81 kỳ họp, cấp xã: 894 kỳ họp). Hoạt động tổ chức kỳ họp của HĐND các cấp được thực hiện cơ bản đạt hiệu quả, chất lượng, đổi mới về nội dung và hình thức.

Sự thành công của mỗi kỳ họp HĐND là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự tham gia phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, UBMTTQ Việt Nam, các cơ quan đơn vị có liên quan cùng sự đóng góp tích cực của đại biểu HĐND. Nội dung kỳ họp thực hiện theo luật định, đồng thời có xem xét kỹ, lựa chọn những nội dung có yêu cầu bức xúc, cấp thiết và những vấn đề quan trọng của địa phương. Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, hợp lý. Chủ tọa điều hành kỳ họp linh hoạt, khách quan, dân chủ và phát huy trí tuệ tập thể. Hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cơ bản đạt yêu cầu, đi vào trọng tâm, sát với tình hình thực tế của địa phương. Hoạt động tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri được chú trọng, thể hiện trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động tổ chức kỳ họp HĐND cũng còn một số khó khăn, hạn chế, như: công tác chuẩn bị kỳ họp từng lúc chưa đạt yêu cầu, một số văn bản trình tại kỳ họp HĐND thiếu chặt chẽ về kỹ thuật, nội dung; việc gửi tài liệu phục vụ công tác thẩm tra còn chậm so với thời gian kế hoạch; có nội dung trình bổ sung nội dung vào chương trình sát với thời gian tổ chức kỳ họp gây khó khăn cho công tác thẩm tra của các ban HĐND... từ đó, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp.

Đại biểu HĐND thảo luận còn ít, một vài nội dung thảo luận của đại biểu chưa đi vào trọng tâm, thảo luận còn mang tính chất phản ánh những khó khăn của địa phương và nêu kiến nghị, chưa đánh giá sâu tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, thiếu giải pháp cụ thể để đóng góp vào tình hình phát triển chung; một vài đại biểu HĐND chưa nghiên cứu sâu các dự thảo nghị quyết nên ít thảo luận trong việc xem xét các nghị quyết của HĐND tại kỳ họp.

Phiên chất vấn có mặt chưa đạt yêu cầu; chất lượng một số câu hỏi chất vấn chưa mang tính bao quát chung, còn dài dòng. Việc trả lời chất vấn của một số thủ trưởng đơn vị đôi lúc chưa thể hiện được trách nhiệm, chưa có giải pháp cụ thể, chưa thỏa đáng một số nội dung của cử tri và đại biểu đặt ra. Việc ban hành nghị quyết đôi lúc còn sai sót về thể thức, nội dung; một số nghị quyết của HĐND cấp huyện ban hành chưa đúng thẩm quyền…

Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đề xuất một số giải pháp chung: tiếp tục nghiên cứu các quy định của luật, các văn bản của trung ương và tỉnh về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp để áp dụng thực hiện tốt hoạt động tổ chức kỳ họp HĐND đúng quy định. Tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; mọi hoạt động của HĐND, thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, vừa phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri.

Thường trực HĐND phối hợp tốt với UBND, UBMTTQ Việt Nam và các ngành trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, chủ động nghiên cứu, nắm bắt kịp thời các quy định mới của trung ương, các chủ trương của Tỉnh ủy, trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương để chủ động trình HĐND ban hành nghị quyết đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.

Các ban HĐND tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết HĐND trình tại kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp điều hành linh hoạt, bố trí thời gian, nội dung từng phiên họp đảm bảo hợp lý, khoa học; cần có nhận xét, đánh giá kết quả từng phiên họp, đặc biệt là đối với phiên thảo luận các báo cáo, dự thảo nghị quyết của HĐND, kết quả trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND và ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đại biểu HĐND nâng cao vai trò trách nhiệm trong các hoạt động giám sát, thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, cần nghiên cứu sâu nội dung, tài liệu kỳ họp, tìm hiểu các quy định của pháp luật, nắm bắt tình hình của địa phương, cơ sở để hiểu rõ vấn đề liên quan. Từ đó, có đánh giá sâu tình hình kinh tế - xã hội, đề xuất giải pháp tích cực để đóng góp vào tình hình phát triển chung của tỉnh.

UBND chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động chuẩn bị tốt các nội dung trình kỳ họp, đảm bảo thời gian, chất lượng, đúng quy định. Chỉ đạo triển khai các giải pháp, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của HĐND, các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp để cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND, theo dõi UBND, các sở ngành trả lời giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn. Sau kỳ họp, tổ chức cuộc họp đánh giá công tác tổ chức kỳ họp để làm cơ sở tổ chức các kỳ họp tiếp theo được tốt hơn.

Đồng chí Ngô Quốc Thạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Trà Cú: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp HĐND.

Kỳ họp HĐND là kết quả của rất nhiều khâu, nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó, khâu chuẩn bị tổ chức, xác định nội dung, chương trình là khâu quan trọng quyết định tính chất thành công của kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND huyện Trà Cú đã tổ chức thành công 08 kỳ họp (trong đó, có 03 kỳ họp chuyên đề), đã ban hành 77 nghị quyết (trong đó, có 25 nghị quyết về nhân sự).

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại kỳ họp cuối năm, Thường trực HĐND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của năm sau trình HĐND huyện biểu quyết thông qua. Trong công tác chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND huyện thực hiện tốt các mặt công tác, như: tổ chức các cuộc họp thống nhất dự kiến thời gian, nội dung, chương trình làm việc, nội dung thảo luận, chất vấn... Thường trực HĐND huyện còn chỉ đạo văn phòng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan có liên quan chuẩn bị và gửi tài liệu kỳ họp đúng với thời gian quy định.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp HĐND huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND huyện Trà Cú đề xuất một số giải pháp: đối với những nội dung quan trọng, UBND huyện sớm chủ động báo cáo, xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến thống nhất trước khi trình HĐND huyện để trình kỳ họp. Thực hiện tốt việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết.

Chủ động tốt các công việc, như: Thường trực HĐND huyện cần xác định nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp; có sự phân công rõ ràng và phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các nội dung, chương trình kỳ họp HĐND. Chủ động, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc UBND huyện chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp; phối hợp với các cơ quan để góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo nhằm làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu trình kỳ họp.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu HĐND huyện trong việc tham gia các hoạt động của HĐND , như: tiếp xúc cử tri, họp tổ đại biểu, tham gia các đoàn khảo sát, giám sát. UBND huyện cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động chuẩn bị tốt các nội dung trình kỳ họp, đảm bảo chất lượng, đúng quy định và tình hình thực tế của huyện; kịp thời nghiên cứu tài liệu đã được gửi trước khi tham dự kỳ họp để giải trình làm rõ những nội dung được thảo luận hoặc thẩm tra.

Các ban của HĐND huyện tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đại biểu HĐND huyện cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của người đại biểu dân cử; chủ động nghiên cứu tài liệu, nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước; kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND huyện ở cơ sở để tham gia tốt phiên thảo luận, chất vấn.

Đồng chí Nghị Văn Nhân, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang với giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ HĐND

Thẩm tra là một hình thức giám sát, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của các Ban HĐND xã, việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình tại kỳ họp HĐND có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND.

Thời gian qua, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND xã có những thuận lợi cơ bản đó là: theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định rõ về lĩnh vực các ban phụ trách cũng như quy trình có liên quan đến hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 21/11/20217 về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, từ đó, hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND xã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND xã, sự phối hợp của UBND, UBMTTQ Việt Nam xã và các ngành có liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thẩm tra của các ban HĐND đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND xã vẫn còn một số khó khăn, như: một vài thành viên của ban chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến đóng góp hoặc chỉ góp ý chung chung, chưa sâu đối với từng nội dung của dự thảo nghị quyết, báo cáo cần thẩm tra. Vì vậy, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND xã. Tiến độ gửi báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND xã dự kiến trình tại kỳ họp gửi về Thường trực HĐND xã còn chậm so với quy định. Một số chế độ, chính sách có liên quan đến hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND xã còn ở mức thấp. Trưởng và Phó trưởng các Ban HĐND xã hoạt động kiêm nhiệm nhưng vẫn chưa có chế độ, chính sách phù hợp, vì vậy, chưa khuyến khích các thành viên phát huy hết tinh thần trách nhiệm đối với hoạt động thẩm tra các Ban HĐND.

Thực tế đó, HĐND xã Trường Thọ đề xuất một số giải pháp: tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND; đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Trà Vinh đến từng thành viên của ban để nâng cao nhận thức, thái độ và hành động của các Ban HĐND xã đối với hoạt động thẩm tra.

Thường trực HĐND xã phải thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các Ban HĐND thực hiện công tác thẩm tra đúng quy định của pháp luật. Cần quan tâm hướng dẫn và trực tiếp tham gia với các ban để kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm tra của các ban HĐND.

Phát huy tinh thần trách nhiệm của các ban trong hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND, từng thành viên phải dành thời gian thích đáng để nghiên cứu, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung thẩm tra, đồng thời phải mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến đóng góp về những vấn đề chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh, bổ sung hoặc đề nghị giải trình làm rõ thêm.

Các Ban HĐND xã phải thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn sâu về công tác thẩm tra. Quan tâm lựa chọn, bố trí những đại biểu HĐND có trình độ chuyên môn phù hợp với từng lĩnh vực ban phụ trách, đúng, đủ thành phần, theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng. Đồng thời, cần có chế độ, chính sách phù hợp hơn đối với hoạt động thẩm tra cũng như chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với Trưởng, Phó trưởng các Ban HĐND xã, nhằm khuyến khích phát huy tối đa trí tuệ và trách nhiệm của từng thành viên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND xã trong thời gian tới.

SƠN TUYỀN (lược ghi)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-dang/giai-phap-nang-cao-chat-luong-ky-hop-hdnd-cac-cap-tren-dia-ban-tinh-32160.html