Giải pháp nào khắc phục việc chậm ban hành các văn bản về quản lý tài sản công?

Giải pháp nào khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công? Đâu là giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội? Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm cũng như nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?...

Hàng loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế tổng hợp được các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi khi bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp sáng nay, 6.11.

Ngay sau phần trình bày các báo cáo của Chính phủ, cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan, phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tiếp tục chương trình, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế tổng hợp, gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Với lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phạm vi chất vấn liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 41/2022/QH15, Nghị quyết số 61/2022/QH15, tập trung vào một số nội dung chính: Tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác quy hoạch, lập các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển hộ kinh doanh và doanh nghiệp; giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai, tháo gỡ khó khăn, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Về lĩnh vực tài chính, phạm vi chất vấn liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 62/2022/QH15, Nghị quyết số 74/2022/QH15, tập trung vào những nội dung chính: Việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề về rà soát tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để ra thất thoát, lãng phí đã được chỉ ra trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; việc hoàn thiện các luật, chính sách thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, việc ban hành chính sách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt; nguyên nhân chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.

Về lĩnh vực ngân hàng, phạm vi chất vấn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH4, Nghị quyết số 62/2022/QH15, tập trung vào: Việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.

"Các nội dung dung trên thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan. Khi cần thiết, Chủ tọa sẽ mời các Bộ trưởng, trưởng ngành khác trả lời, làm rõ các vấn đề các đại biểu quan tâm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Nêu chất vấn đầu tiên, ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu vấn đề: Cơ cấu lại nền kinh tế là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và kết quả đạt được còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều năm qua ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa còn thấp, việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế.

"Đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên và chỉ tiêu nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, văn hóa nói chung, cho giáo dục đại học, cho thiết chế văn hóa nói riêng như thế nào", đại biểu Phan Viết Lượng đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tiếp đó, ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công; ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu vấn đề về thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn việc chậm ban hành Nghị định của Chính phủ để thi hành nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết này cũng như việc lãng phí trong sử dụng tài sản công. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm cũng như nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?...

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/giai-phap-nao-khac-phuc-viec-cham-ban-hanh-cac-van-ban-ve-quan-ly-tai-san-cong--i349077/