Giải pháp nào ngăn chặn gian lận hóa đơn điện tử?

Dù đã chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, song lợi dụng kẽ hở trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp (DN), một số đối tượng đã gian lận, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Nhiều chiêu trò gian lận tinh vi

Khi triển khai hóa đơn điện tử, ngành Thuế kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, vì tất cả các giao dịch đều được lưu vết ở cơ quan thuế và cơ quan thuế sẽ sử dụng các giải pháp điện tử như phân tích xu thế, dữ liệu "big data" hay AI để phát hiện các sai phạm. Quan trọng hơn cả việc đối soát vi phạm đều ở cơ quan thuế, không phải nhờ các cơ quan khác liên quan. Thế nhưng, sau hơn một năm triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước, đến nay có gần 4 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành.

Ngành Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử.

Ngành Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử.

Tổng cục Thuế cũng triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử nhằm phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, giúp truy tìm, ngăn chặn DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tuy nhiên, trên thực tế, việc gian lận hóa đơn điện tử vẫn diễn ra khá phổ biến. Không chỉ hoạt động lén lút mà hoạt động này còn diễn ra công khai trên mạng xã hội. Các hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ gồm: Lập hóa đơn không đúng thời điểm, không theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai; lập hóa đơn khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế; lập hóa đơn trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh…

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay, thủ tục đăng ký DN, bao gồm đăng ký mới và thay đổi thông tin, rất thuận lợi; hệ thống đăng ký kinh doanh lại chưa tự động kiểm soát dữ liệu nên xảy ra nhiều trường hợp có dấu hiệu sử dụng giấy tờ pháp lý của cá nhân không phù hợp khi đăng ký DN; kê khai thông tin đăng ký DN không chính xác; cá nhân đăng ký nhiều DN, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh để thành lập DN khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Các DN thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, khoảng 1 - 2 năm, sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Khi cơ quan thuế nghi ngờ đưa vào thanh tra, kiểm tra thì DN đã làm thủ tục tạm ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của DN ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh; địa điểm kinh doanh không có thật hoặc hợp đồng thuê nhà giả mạo để đăng ký địa điểm kinh doanh; cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế chưa có thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh có đúng địa chỉ đăng ký hay không…

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trước thực tế này, Tổng cục Thuế mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng. Về phía nội bộ, Tổng cục Thuế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Các cục thuế địa phương cũng ráo riết vào cuộc triển khai. Ví dụ tại Đà Nẵng, trong quý I/2023, đã thanh, kiểm tra, xử lý truy thu về thuế và xử phạt các DN vi phạm với số tiền 264,7 triệu đồng.

Tương tự, Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, để công tác quản lý hóa đơn hiệu quả, trong tháng 5 này, Cục thuế tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Tại TP Hồ Chí Minh, để phòng chống gian lận và ngăn chặn sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử với chức năng phân tích dữ liệu, phục vụ cho quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử trong toàn ngành Thuế…

Bà Lê Thị Duyên Hải nhận định, để ngăn chặn triệt để việc người nộp thuế gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng như công an, hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngành Thuế kiến nghị cần siết chặt lại quy định thành lập DN mới; kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý DN; cần đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập DN; bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ đăng ký thành lập DN, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của các cá nhân tham gia thành lập và quản lý DN để phù hợp với quy định của Luật DN…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/giai-phap-nao-ngan-chan-gian-lan-hoa-don-dien-tu--i693741/