Giải pháp phòng, trị sâu đầu đen gây hại cây dừa

Hiện nay, giá dừa trái đang ở mức khá cao và ổn định từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, người trồng dừa trong tỉnh đang lo lắng việc sâu đầu đen gây hại, ảnh hưởng lớn về năng suất, giá trị kinh tế cho người trồng dừa. Trước lo lắng của nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đưa ra khuyến cáo cách phòng, trị.

Sâu đầu đen không chỉ gây hại trên dừa lớn, ở những vườn dừa 02 - 03 năm tuổi.

Sâu đầu đen không chỉ gây hại trên dừa lớn, ở những vườn dừa 02 - 03 năm tuổi.

Đến cuối tháng 9/2024, diện tích dừa của Trà Vinh trên 27.390ha; sản lượng đạt 198.177 tấn. Qua đó, tỉnh có 19 mã số vùng trồng dừa nội địa được cấp/diện tích 1.410,2ha và 01 mã số vùng trồng dừa xuất khẩu/diện tích 150ha.

Được biết, từ đầu tháng 5/2024 đến nay, sức tiêu thụ của thị trường dừa trái đang được nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua trong nông dân khá tốt và đang hướng đến quy hoạch xây dựng vùng trồng theo hướng an toàn hữu cơ… Hiện các thương lái, doanh nghiệp thu mua dừa khô trái tại vườn (từ đầu tháng 10/2024), giá bình quân dao động từ 105.000 - 110.000 đồng/chục dừa (12 trái).

Với đặc tính của loài sâu đầu đen là tổ sâu nấp vào sóng lá dừa, rồi ăn lá dần khiến cây bị suy kiệt và chết. Hơn nữa, khi gây hại trên lá, sâu làm kén và cuốn lá lại nên nông dân rất khó phát hiện để phòng trừ.

Bà Quách Thị Mười, ở ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành cho biết: gia đình trồng được 20 cây dừa/1.000m2, số dừa trên đã ngoài 15 năm tuổi. Hàng tháng, gia đình thu hoạch khoảng 140 - 150 trái dừa khô.

Bà Lê Thị Chay, ấp Kinh A, xã Huyện Hội, huyện Càng Long chia sẻ: gia đình có 0,3ha đất trồng dừa (khoảng 70 cây), đây là nguồn thu nhập chính của 02 vợ chồng. Hiện nay, giá dừa khô trái trên 100.000 đồng/chục (12 trái), hàng tháng gia đình cũng thu được 4,4 - 4,5 triệu đồng.

Để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh hướng dẫn cụ thể về giải pháp phòng, trị và biện pháp hóa học. Cụ thể như sau:

Giải pháp phòng: thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá chết cây dừa và cây ký chủ (cau, cọ, chuối...). Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới. Bón phân cân đối, nên chia làm nhiều đợt bón trong năm. Không nên vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan. Kiểm tra cây giống trước khi trồng, nếu phát hiện sâu đầu đen gây hại phải tiêu hủy ngay tránh phát tán sâu hại ra diện rộng.

Giải pháp trị: biện pháp sinh học qua sử dụng nguồn thiên địch: ong ký sinh (ký sinh trên nhộng và ấu trùng), bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kim và một số thuốc trừ sâu sinh học; nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) nhằm kiểm soát mật số sâu đầu đen hại dừa.

Biện pháp hóa học: đối với vườn dừa sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ: cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá bị hại nặng nhằm giảm một số sâu hại, đặc biệt nhộng. Không sử dụng biện pháp hóa học, chỉ sử dụng biện pháp sinh học.

Đối với vườn dừa sản xuất thông thường: cần cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm mật số sâu hại, tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc.

Đối với vườn dừa trồng xen cây ăn trái kết hợp nuôi cá, tôm: sử dụng thuốc chứa hoạt chất ít gây ảnh hưởng đến môi trường: Azadirachtin (Super Fitoc 10EC liều lượng 16ml/bình 25 lít nước, Vineem 1500 EC liều lượng 100 ml/bình 25 lit nước, Kozomi 0.15 EC, Minup 0,3EC).

Đối với vườn dừa trồng chuyên: sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu chứa hoạt chất: Abamectin (Abagold 65EC, liều lượng 20ml/bình 25 lít nước; Abagro 4.0EC liều lượng 25ml/bình 25 lít nước; Abatin 5,4EC liều lượng 22ml/bình 25 lít nước, Acimetin 5EC liều lượng 22ml/bình 25 lít mước...)

* Lưu ý: phun bình máy 25 lít nước cho 05 cây dừa, phun ướt đẫm đều cả 02 mặt lá. Phun 02 lần cách nhau từ 07 - 10 ngày, nên luân phiên các hoạt chất thuốc.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/giai-phap-phong-tri-sau-dau-den-gay-hai-cay-dua-40731.html