Giải quyết dứt điểm vấn nạn lãng phí (*): Luật pháp không khoan nhượng

Bên cạnh nhiều lãng phí không tên, đã có những lãng phí mà thủ phạm bị chỉ đích danh thông qua bản án

Theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp.

Vi phạm quy định

Báo cáo Chính phủ cho biết từ ngày 1-10-2023 đến 31-7-2024, các cơ quan chức năng phát hiện 4.150 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 16,09% so với cùng kỳ năm trước), 936 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 37,85%). Còn theo Bộ Công an, trong quý III/2024, công an cả nước phát hiện 253 vụ, 562 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 768 vụ, 1.500 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế…

Trong số này có vụ án Xuyên Việt Oil. Theo đó, bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, bị VKSND Tối cao truy tố 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ". Bà Hạnh bị cáo buộc cùng các đồng phạm lợi dụng việc nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường ở doanh nghiệp này và làm trái quy định, lập khống báo cáo tài chính để chuyển tiền dùng vào mục đích cá nhân. Từ đó, gây thiệt hại cho nhà nước 1.463 tỉ đồng. Để thực hiện hành vi sai phạm, bị can Hạnh hối lộ 8 cán bộ với tổng số tiền 1.265.000 USD cùng nhiều quà đắt đỏ.

Cũng bị bắt về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng nhiều đồng phạm. Hồ sơ thể hiện trong vụ án khai thác đất hiếm liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, ông Nguyễn Linh Ngọc biết rõ công ty trên chưa đủ điều kiện để cấp phép nhưng vẫn đánh giá đủ, ký giấy phép cho khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm tại mỏ ở tỉnh Yên Bái. Vì vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã khai thác trái phép, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của nhà nước ước tính trên 600 tỉ đồng.

Cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc (bìa phải) cùng đồng phạm. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc (bìa phải) cùng đồng phạm. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Phóng tay với tiền nhà nước

Tại Khánh Hòa, đầu năm nay, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng 5 năm tù; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, 3 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Chung tội danh, 7 bị cáo là cựu lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa bị tuyên từ 1 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù.

Theo bản án, trong quá trình triển khai dự án khu phức hợp Thiên Triều, sau được đổi tên thành dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (hiện nay là khách sạn Mường Thanh Viễn Triều), các sai phạm của ông Nguyễn Chiến Thắng cùng đồng phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, làm thiệt hại trên 356 tỉ đồng.

TP HCM, vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) nằm trong nhiều ví dụ về sự "tiêu hoang" tài sản công.

Trong vụ án này, cựu Tổng Giám đốc CNS Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã phung phí tiền nhà nước qua việc không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng... gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng. Ngoài ra, họ còn thực hiện thoái vốn trái quy định khiến nhà nước mất thêm 4,6 tỉ đồng. Với tổng thiệt hại hơn 21 tỉ đồng, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm hồi tháng 6-2023 đã tuyên phạt ông Dũng 5 năm tù. Ông này chấp nhận mức án, không kháng cáo.

Sau khi tòa tuyên, bị cáo Chu Tiến Dũng (giữa) chấp nhận mức hình phạt. Ảnh: Ý LINH

Sau khi tòa tuyên, bị cáo Chu Tiến Dũng (giữa) chấp nhận mức hình phạt. Ảnh: Ý LINH

Hiệu quả của sự quyết liệt

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương về việc giải ngân vốn đầu tư công, cùng với đó lắng nghe, giải quyết những vướng mắc tồn đọng gây chậm trễ tiến độ như vốn chờ công trình, thậm chí công trình chờ vốn.

Từ những quyết liệt trên, nhiều tồn tại, hạn chế là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực bộc lộ rõ hơn. Cụ thể như công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công còn ì ạch, chậm trễ; còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng...

"Thời gian qua, thất thoát, lãng phí ở nước ta xảy ra nhiều nơi, nhiều chỗ, mặc dù không lớn nhưng nếu cộng lại thì đó cũng là một con số lớn. Tôi nghĩ con số thất thoát, lãng phí và con số tham nhũng tương đương với nhau" - ông Hòa nêu ý kiến.

Để chống thất thoát, lãng phí, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác này, đồng thời xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị và cá nhân sai phạm. Từ đó làm gương để người khác nhìn vào, góp phần giúp cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đi vào hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh ý cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn. Nên tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Đồng thời với đó, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan dân cử, Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo ông, việc giám sát của các cơ quan trên giúp kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý hiệu quả những nơi không làm tốt công tác trên.

Phối hợp chặt chẽ, khoa học

ThS Hồ Quân Chính, Trưởng Bộ môn Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự tại Học viện Tư pháp cơ sở TP HCM, nhận xét một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ thu hồi tài sản vi phạm còn thấp là thiếu cơ chế tập trung điều tra, truy tìm ngay từ khi vụ việc được phát hiện. Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong việc truy vết tài sản còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp và thiếu cơ chế phong tỏa tài sản sớm khiến hiệu quả thu hồi giảm sút.

ThS Chính cho rằng cần xây dựng cơ chế nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, như phong tỏa tài sản và truy vết dòng tiền bất hợp pháp ngay khi có dấu hiệu vi phạm. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trong khâu thi hành án dân sự sẽ là yếu tố quan trọng giúp thu hồi tài sản tham nhũng, góp phần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và lãng phí tài sản công.

Trả giá

Năm 2022, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) khép lại với hình phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 24 năm tù với 19 bị cáo.

Trong số này, những bị cáo Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc SAGRI; Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM; Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM... là những cá nhân có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài sản nhà nước đối với khu đất dự án ở phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức).

Tuy nhiên, họ đã cho phép chuyển nhượng dự án với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, gây thất thoát tài sản nhà nước... Tại phiên xét xử phúc thẩm tháng 5-2022, TAND Cấp cao TP HCM xác định số tiền thất thoát lên đến 348 tỉ đồng.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-quyet-dut-diem-van-nan-lang-phi-luat-phap-khong-khoan-nhuong-196241023200541807.htm