Đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 23/10, một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm việc triển khai, tổ chức thực hiện nhất là khâu kiểm tra, xử lý vi phạm.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định, cấm đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; cố ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật còn chìm đắm dưới nước. Dẫn chứng câu chuyện từ thực tế, khi người dân vô tình phát hiện cổ vật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần quy định rõ hơn và có sự phân biệt giữa hành vi cố ý với hành vi vô ý khi tìm được di vật, cổ vật trong quá trình khai hoang, sản xuất.

Quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm, đó là “cấm cải tiến, thay đổi tiếng nói, chữ viết quốc gia và của các dân tộc Việt Nam khi chưa được Nhà nước cho phép”.

Đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, dự thảo Luật quy định phải có ý kiến chấp thuận từ các cơ quan Nhà nước trước khi thực hiện. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là khá cứng nhắc, khi áp dụng vào thực tiễn, trong một vài trường hợp sẽ khó khả thi.

Trong số 13 hành vi được đề xuất bị nghiêm cấm, có những hành vi như: cấm chiếm đoạt di sản văn hóa, cấm hủy hoại di sản, cấm mua bán, sưu tầm di vật, cổ vật, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp hay cấm lợi dụng di sản để trục lợi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Diệu Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/de-nghi-bo-sung-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-240611.htm