Giải quyết tình trạng mạo danh công ty tài chính để cho vay bằng cách nào?

Mặc dù hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động, nhưng trên thực tế đang có nhiều công ty tư vấn tài chính không được cấp phép cũng thực hiện hoạt động cho vay.

Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tiềm năng và nhu cầu thị trường rất lớn

Theo NHNN, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ước tăng trên 21% vào cuối năm 2022.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ước tăng trên 21% vào cuối năm 2022.

"Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế (từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước trên 21% cuối năm 2022). Từ đó, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen theo chủ trương của Chính phủ", bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho hay.

Mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng rất nhanh, tạo cơ hội lớn để mảng tài chính tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại phát triển.

Tuy nhiên, với khoảng 100 triệu dân và tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình/thấp vẫn chiếm đa số; vì thế dư địa cho các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Trên thực tế, cùng là tài chính tiêu dùng nhưng đối tượng khách hàng của các ngân hàng và các công ty tài chính luôn có sự khác biệt. Trong khi những người có thu nhập cao hoặc khá có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng từ ngân hàng dễ dàng hơn, thì những người yếu thế có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp lại khó có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng và thường tìm đến các công ty tài chính hoặc vay thứ cấp, hoặc rủi ro từ tín dụng đen.

Nhiều công ty “mập mờ”, mạo danh tín dụng tiêu dùng để cho vay

Chia sẻ tại hội thảo: “Tín dụng tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”, được tổ chức ngày 18/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Ngoài ra, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do cơ quan quản lý cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) thừa nhận: Khi gõ từ khóa vay tiền trên Google thì sẽ thấy xuất hiện rất nhiều các website quảng cáo vay tiền nhanh chỉ cần CCCD, không thẩm định... các website, App cho vay, P2P tiếp cận khách hàng mọi nơi, cho vay dễ dàng, chỉ cần khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Đối với mô hình cho vay ngang hàng là hình thức dân sự, cho vay giữa cá nhân và cá nhân thông qua App trung gian.

“Vì vậy, việc cho vay lãi suất cao “cắt cổ” hay bị “xù nợ” đều không được bảo vệ quyền lợi, khó truy cứu trách nhiệm. Chưa kể hình thức P2P còn có thể là nơi núp bóng của tín dụng đen. Những loại hình này cũng gây hiểu nhầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng tới các công ty tài chính được NHNN cấp phép và quản lý”, bà Vy chia sẻ.

Đồng tình, ông Kim Jong Geuk, Tổng giám đốc Công ty Tài Chính TNHH MTV Lotte Việt Nam cho rằng, công ty Fintech hoạt động theo mô hình P2P Lending và/hoặc các công ty cầm đồ xây dựng app và website riêng để cho vay dưới hình thức cho vay nặng lãi, hoặc liên kết với công ty công nghệ để cho vay cầm đồ là những đối tượng chưa chịu sự ràng buộc, quản lý trực tiếp của NHNN nhưng lại là đối tượng có sự cạnh tranh với phân khúc công ty tài chính tiêu dùng. Thậm chí còn khiến khách hàng nhầm tưởng là công ty tài chính tiêu dùng.

Ngoài ra, do chưa chịu nhiều ràng buộc về mặt pháp lý, các công ty Fintech có thể dễ dàng sử dụng rộng rãi Big Data và công nghệ e-KYC, E-signing... vào hoạt động kinh doanh. Từ đó giảm thiểu những công việc thủ công, giảm chi phí nhân sự. Trong khi đó công ty tài chính với sự ràng buộc về mặt pháp lý sẽ chưa thể bứt phá công nghệ như các công ty Fintech đang triển khai, dần dần sẽ trở nên tụt hậu và mất lợi thế cạnh tranh khi Fintech được chính thức công nhận tại thị trường Việt Nam.

Từ thực trạng này, các công ty tiêu dùng kiến nghị, cơ quan chủ quản cần có quy định tách bạch giữa công ty tài chính và tín dụng đen. Trong đó, cần truyền thông để hiểu rõ hơn những hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép để phân biệt với tín dụng đen.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, cần phải giúp công luận hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, các cửa hàng cầm đồ, các app cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ… Để người dân, nhất là người yếu thế tin tưởng, yên tâm tìm tới những công ty tài chính được NHNN cấp phép vay vốn phục vụ mục đích chính đáng của mình.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động theo thỏa thuận của hai công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tính chất vừa là thử nghiệm, vừa triển khai thí điểm, để tạo tiền đề nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả.

“Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn. Tôi tin chắc gói tín dụng này sẽ hiệu quả”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/giai-quyet-tinh-trang-mao-danh-cong-ty-tai-chinh-de-cho-vay-bang-cach-nao-1088724.html