'Giảm giờ làm tiêu chuẩn là thiếu thực tế'
Trên các diễn đàn, hội nghị, không khí rất nóng với việc thảo luận các nội dung được đề xuất nhằm sửa đổi Bộ luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua cuối năm. Trong đó, đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần gây nhiều tranh cãi nhất.
Song, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói với báo chí ngày 27-9, việc giảm giờ làm như vậy là thiếu thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, với trình độ phát triển kinh tế hiện nay, Bộ luật lao động nên sửa đổi theo hướng giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ còn 44 giờ. Ý kiến của cơ quan soạn thảo pháp luật về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Bình: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có hai công ước về giờ làm việc. Công ước thứ nhất quy định một tuần làm việc không quá 48 giờ, trong khi công ước thứ hai quy định không quá 40 giờ.
Đối với quy định tuần làm việc không quá 40 giờ, dù được ban hành năm 1937 nhưng tới nay mới chỉ có 15/187 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn. Điều này cho thấy, dù là công ước hướng tới điều tốt đẹp hơn cho người lao động nhưng phạm vi áp dụng chỉ có mức độ.
Xét trong khu vực 10 nước ASEAN, chỉ có hai nước quy định giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần là Singapore (44 giờ) và Indonesia (40 giờ), đa số các quốc gia còn lại có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam đều quy định giờ làm việc trong tuần là 48 giờ. Như vậy, có tới 8/10 nước quy định số giờ làm việc như chúng ta hiện nay.
Đối với Singapore, nơi quy định giờ làm việc thấp hơn, họ có trình độ phát triển vượt bậc so với các nước trong khu vực, họ ở “chiếu trên" so với chúng ta nên không thể so sánh. Trong khi Indonesia, có trình độ phát triển khá tương đồng nhưng đây là quốc gia với dân số 150-160 triệu dân, tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Chính phủ nước này phải giảm giờ làm tiêu chuẩn để chia sẻ công việc với những người thất nghiệp.
Bối cảnh kinh tế của Việt Nam khác so với hai nước trên. Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ quanh mức 2%. Dòng vốn dịch chuyển từ các nước vào Việt Nam thời gian qua càng khiến tình trạng khan hiếm lao động trở nên bức thiết.
Hơn nữa, thông tin thị trường lao động cho thấy, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam có thêm khoảng 1 đến 2 triệu việc làm (tức số lao động gia nhập thị trường rời khỏi thị trường). 5 năm trở lại đây, con số này giảm xuống chỉ còn 400.000 việc làm. Như vậy, tốc độ gia tăng lực lượng lao động đang giảm nhanh, tỉ lệ thất nghiệp thấp, các doanh nghiệp đang chật vật để tuyển dụng nhân sự.
Do đó, quy định về giờ làm việc là phù hợp bối cảnh kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam.
Không chỉ giờ làm việc tiêu chuẩn, tăng giờ làm thêm cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. Quan điểm của cơ quan làm luật sẽ như thế nào về đề xuất không tăng giờ làm thêm trong bộ luật sửa đổi?
Giờ làm thêm luôn được xem xét dựa trên mối tương quan lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Không ai mong muốn tăng giờ làm thêm. Ai cũng muốn làm ít hơn, lương nhiều hơn. Nhưng cần phải xem sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay. Đó là mong muốn và mục tiêu hướng tới. Thực tế, các doanh nghiệp đang làm thêm giờ như thế nào?
Báo cáo Better work do ILO thực hiện năm 2018 cho thấy, 77% các doanh nghiệp tham gia Better work nói rằng họ không thể tuân thủ được quy định về trần làm thêm giờ theo tháng; 69% không thể tuân thủ được về trần làm thêm giờ theo năm. Mức độ vi phạm của các doanh nghiệp tham gia Better work - chủ yếu là dệt may và da giày - phổ biến tới mức, chính các nhà mua hàng phải chấp nhận sự vi phạm đó.
Nếu chúng ta tiếp tục duy trì giờ làm thêm thấp trong Bộ luật lao động sửa đổi sẽ không giúp thay đổi thực tiễn, mà chỉ làm cho việc tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp thấp đi.
Mức độ tuân thủ thấp là bất lợi của doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Do đó, tăng giờ làm thêm sẽ góp phần tăng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trong nước, giúp họ tiếp cận tốt hơn với thị trường.
Đề xuất của Chính phủ trong dự thảo đều cân nhắc những yếu tố trên, cũng như đáp ứng yếu tố mùa vụ của doanh nghiệp trong ngành thâm dụng lao động như may mặc, thủy hải sản, nông sản…
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động thay vì bắt người lao động làm thêm giờ. Nhưng nói như vậy là thiếu thực tế trong bối cảnh nguồn cung lao động đang khan hiếm.
Mùa vải đang chín được 1-2 tuần, cần thu hoạch để chế biến mà nói rằng người lao động không được làm thêm giờ, phải tuyển lao động đi là không thực tế. Không làm thêm giờ, bà con nông dân cũng chết vì không tiêu thụ được nông sản.
Hơn nữa, rất nhiều người lao động muốn tăng giờ làm thêm. Thậm chí, nếu doanh nghiệp nào không cam kết có giờ làm thêm là không thể tuyển được người lao động. Trong thông báo tuyển dụng luôn phải thông báo có làm thêm giờ.
Một số ý kiến cho rằng, phải tăng lương để người lao động làm ít hơn, bởi thực tế không ai muốn làm thêm. Nhưng việc tăng lương là không dễ. Điều tra của ILO cho thấy, để tăng lương, đơn giá sản phẩm phải tăng. Nhưng đa phần doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia ở giai đoạn có giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi giá trị.
Trong 5-7 năm nay, hầu như đơn giá gia công không tăng. Nếu như gia công 1 chiếc áo sơ mi cách đây 5 năm là 3 đô la, giờ vẫn là 3 đô, trong khi lương tối thiểu tăng, mọi chi phí khác tăng. Như vậy lấy gì để doanh nghiệp tăng lương mà không cần tăng giờ làm việc?
Cuối cùng, so sánh tổng số giờ làm việc (gồm giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm việc tối đa) trên giấy tờ là không đủ. Cái so sánh quan trọng là tổng số giờ làm việc thêm thực tế. Quy định là như vậy, nhưng thực tế người lao động đang làm việc thêm bao nhiêu giờ? Con số của chúng tôi cho thấy giờ lao động của Việt Nam đang ở mức trung bình, tổng cộng 2.380 giờ/năm.
Xin cảm ơn ông!
Điều 105, Dự thảo Bộ Luật lao động mới nhất đề xuất, thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.
Điều 107 về giờ làm thêm quy định hai phương án
Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Thùy Dung lược ghi