Giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông sản, thực phẩm: Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết

Ở nhiều thời điểm, giá các loại nông sản, thực phẩm lên - xuống thất thường, đặc biệt là sản phẩm gia cầm, rau xanh khi vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, việc liên kết chuỗi không chỉ cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn tạo hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Mô hình chăn nuôi gà đồi tại huyện Ba Vì mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều chuỗi liên kết phát huy hiệu quả

Theo ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì), hiện các trang trại liên kết chuỗi trên địa bàn huyện có 120.000 con gà thịt, hằng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn thịt gà. Trong đó, khoảng 660kg gà thịt đã qua sơ chế, bao gói hút chân không, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang nhãn hiệu “Gà đồi Ba Vì”. Nhờ chất lượng bảo đảm, hiện nay gà đồi Ba Vì được chứng nhận sản phẩm OCOP. Đặc biệt, vừa qua, giá gà ta giảm mạnh, có nơi dao động trong khoảng 60-80.000 đồng/kg thì gà đồi Ba Vì vẫn bán được giá 90.000 đồng/kg cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, quy mô chăn nuôi trong chuỗi đang có 400 con lợn thương phẩm, 100% số thức ăn chăn nuôi được phối trộn, bổ sung men sinh học. Hằng ngày, chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai” qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn tập thể… “Dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng nhờ sử dụng thức ăn tự phối trộn nên chi phí đầu vào giảm 10% so với cho ăn cám công nghiệp. Không những thế, giá bán thịt lợn ra thị trường luôn ổn định”, ông Nguyễn Đình Tường thông tin thêm.

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết nông sản thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, toàn thành phố Hà Nội đang có 141 chuỗi nông sản, thực phẩm. Việc liên kết chuỗi không chỉ tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán ra thị trường mà còn gia tăng giá trị 10-15% so với sản phẩm khi chưa sản xuất theo chuỗi. Thực tế cũng cho thấy, các chuỗi đã mở rộng được thị trường, thiết lập được hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…).

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kết quả tích cực, việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân chưa bảo đảm nhu cầu sản xuất; sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn lỏng lẻo. Việc thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến sâu... Sản phẩm cây trồng chưa có tính thu hoạch rải vụ, phần lớn tiêu thụ dạng tươi, không qua sơ chế. Trong lĩnh vực chăn nuôi, sự kết nối khâu giết mổ với sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm còn khó khăn do tình trạng chăn nuôi và giết mổ nhỏ lẻ vẫn cao...

Để các chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn, liên kết thành hợp tác xã để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, vốn, giống, thiết bị, khoa học và công nghệ, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm...

Để hỗ trợ người dân, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết về xây dựng website và gắn tem truy xuất nguồn gốc QR code cho hơn 600 sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Huyện cũng đã tổ chức các hội chợ để quảng bá giới thiệu sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, sản xuất theo chuỗi liên kết được ngành Nông nghiệp Thủ đô coi là “chìa khóa” để phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. Để các chuỗi tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng, thời gian tới, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các đơn vị tham gia sản xuất theo chuỗi và hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết và sử dụng nhiều hơn loại nông sản chất lượng cao của Hà Nội…

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995367/giam-thieu-rui-ro-trong-san-xuat-nong-san-thuc-pham-day-manh-phat-trien-chuoi-lien-ket