Giảm thuế VAT 2%: Tránh trục lợi chính sách

Để triển khai hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong năm 2022, cần có thêm một số động thái để tránh tình trạng khó áp dụng vì không rõ ràng hoặc việc trục lợi chính sách từ phía đơn vị cung ứng hàng hóa.

Ngày 11/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có nội dung nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong năm 2022, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022, quy định về mức giảm thuế này. Sau 1 tháng triển khai, các doanh nghiệp (DN) phấn khởi, bởi việc giảm thuế VAT đang góp phần giúp DN giảm chi phí đầu vào, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Sau thời gian dài nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc giảm thuế GTGT góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng và giảm nguy cơ tăng lạm phát. Theo khảo sát tại một số siêu thị kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, sau khi Nghị định 15 của Chính phủ chính thức được áp dụng từ 1/2 đến nay, hầu hết các DN bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%.

“Việc giảm thuế VAT 2% khiến nhiều người thấy vui, vì ai cũng đều phải mua sắm cho sinh hoạt hàng ngày. Việc giảm thuế VAT phù hợp vì sức mua hiện nay suy yếu, giá các mặt hàng đều tăng trong khi thu nhập giảm, thậm chí nhiều người không có thu nhập nên buộc phải cắt giảm tiêu dùng, giờ giá giảm giúp nhiều người vẫn có thể mua sắm được”, chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.

Đã có rất nhiều DN kinh doanh các mặt hàng trong danh mục được giảm thuế GTGT đã thực hiện giảm thuế cho khách hàng theo đúng quy định. Theo bà Ngô Thị Hồng An, Giám đốc Công ty CP Điện hoa toàn cầu Việt Pháp, việc giảm thuế VAT thời điểm này sẽ giúp DN bán được nhiều hàng hơn, bởi khách hàng được mua sắm những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá không tăng, thậm chí giảm so với trước. Đây cũng là tín hiệu vui để DN mạnh dạn hơn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

“Xét về tổng thể, đây chính là giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, tất cả các đơn vị, tập đoàn đang lấy hóa đơn từ DN đều đã nắm được thông tin và triển khai thực hiện ngay. Ngoài việc giảm thuế VAT, các DN cũng rất mong muốn được hưởng thuế thu nhập DN trong gói hỗ trợ của Nhà nước”, bá Hồng An bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, chính sách giảm thuế được thực hiện trong thời điểm này là rất kịp thời. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp sức mua của thị trường tăng lên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp các DN tăng sức cạnh tranh, còn người dân cải thiện được cuộc sống tốt hơn vì giảm được chi phí mua sắm hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chính sách này, cần có thêm một số động thái để tránh tình trạng khó áp dụng vì không rõ ràng hoặc việc trục lợi chính sách từ phía đơn vị cung ứng hàng hóa.

“Đây là đòi hỏi cấp bách và việc hướng là vấn đề không phúc tạp. Trong Nghị định này, sự chuẩn bị của cơ quan chức năng hơi gấp nên không tuân theo các trình tự thông thường. Vì vậy, cơ quan thuế, đặc biệt là Tổng Cục thuế nên xây dựng sớm một danh mục phân loại, áp mã các hàng hóa dịch vụ được giảm thuế để cung cấp miễn phí cho các DN có nhu cầu, từ đó lập danh mục hàng của mình vào sẽ ra kết quả rất nhanh và rất minh bạch”, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, việc giảm thuế VAT 2% là quyết tâm lớn của Nhà nước để giảm bớt chi phí về dòng tiền, tạo thuận lợi hơn cho DN trong những lúc khó khăn. Nếu các DN, các cơ sở kinh doanh không rõ hoặc chưa thực hiện việc giảm thuế VAT cho khách hàng do thiếu thông tin là lỗi do cán bộ thuế ở cơ sở. Vì vậy, sự chủ động, phối hợp, hướng dẫn của cán bộ thuế trong quá trình thực thi chính sách này là rất quan trọng.

“Cán bộ thuế trực tiếp ở cơ sở và các cơ quan thuế nên có 1 kênh tuyên truyền hướng dẫn, hoặc đường dây nóng để những DN, những hộ kinh doanh còn lúng túng, chưa rõ mặt hàng nào đó được giam thuế có thể liên hệ để có được sự hướng dẫn, từ đó sẽ phát huy được hiệu quả từ chính sách thuế của Nhà nước”, ông Tô Hoài Nam nêu rõ.

Những ngày gần đây, những thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí về Nghị định 15, quy định chính sách giảm thuế theo nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều lấn cấn trong quá trình thực thi, khiến DN gặp vướng mắc khi áp dụng, người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi không đạt như kỳ vọng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương xem xét những kiến nghị, phản ánh vướng mắc của hiệp hội, DN và người dân để sớm có hướng dẫn, giải thích kịp thời đảm bảo việc thực hiện nghị định thông suốt, phát huy hiệu quả của chính sách nhà nước trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Thành Trung/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giam-thue-vat-2-tranh-truc-loi-chinh-sach-post927913.vov