Gian thương tung hoành

Giá các sản phẩm thịt heo đang ở mức rất cao. Thịt heo thành phẩm hiện đã cán mức 180.000 đồng/kg còn giá heo hơi lên 90.000 đồng/kg và từ nay tới Tết Canh Tý 2020 sẽ tăng nữa.

Do dịch tả heo châu Phi, vì nhiều nơi không tái đàn... nên hụt nguồn thực phẩm khiến thịt heo tăng giá, đó là sự điều tiết của thị trường theo quy luật cung - cầu đã đành. Đằng này, thực tế vẫn tồn tại nạn "làm giá" và xuất lậu heo qua biên giới (ví dụ ở Trung Quốc đang mua thịt heo với giá cao hơn bên ta) khiến loại thực phẩm quan trọng này tăng giá không phanh. Người tiêu dùng đầu cuối luôn phải chịu tốn kém nhiều trong khi các cơ quan hữu trách chưa tìm ra cách chặn đà tăng giá thịt heo. Dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cận Tết thiếu khoảng 200.000 tấn, chẳng biết bù hụt từ nguồn nào. Tình hình có thể nhìn thấy trước và dấu hiệu "làm giá" thịt heo để trục lợi cũng đã biểu hiện khá rõ, lẽ nào các cơ quan chức năng vẫn để người tiêu dùng tiếp tục bị "móc túi" còn gian thương thì tha hồ "múa gậy vườn hoang"?!

Cũng vào dịp cuối năm, nạn hàng gian - hàng giả - hàng "đểu" và mất an toàn - vệ sinh lại trỗi lên như thường khi. Khi hoạt động mua bán trên thực tế bị "soi", thương nhân chuyển hướng kinh doanh qua mạng. Trên không gian ảo này, giao dịch mua bán - thanh toán được thực hiện như thế giới thật nhưng dễ né tránh cơ quan quản lý hơn và dễ lừa đảo người mua hơn, tức là thu lợi bộn hơn. Các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ mua gian bán lận tung hoành, kiếm ăn mà vẫn tránh được sự ràng buộc, chế tài của pháp luật.

Báo Người Lao Động vừa có loạt bài "Chợ mạng ngập hàng giả", phản ánh sát thực tình trạng kinh doanh gian lận qua các sàn TMĐT cùng những rủi ro và thiệt hại người mua phải gánh chịu. Các vấn đề và thông tin báo nêu rất cụ thể, cho dù không phải chuyện mới, đã kéo dài lâu nay rồi, song điều đáng trách là các cơ quan quản lý vẫn tiếp tục can thiệp, xử lý kiểu "theo đuôi", tức là nhận được phản ánh vụ nào thì vào cuộc xác minh, xử lý vụ đó. Giải quyết có tới nơi tới chốn hay không, có đòi được quyền lợi chính đáng cho "khách hàng - nạn nhân" hay không..., chẳng thấy hồi đáp; chỉ nghe những điệp khúc đổ thừa quen thuộc: diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, rất khó ngăn chặn...

Nếu thường dân hay các tổ chức, đơn vị khác làm được những việc đó thì đâu cần phải lập ra những lực lượng như quản lý thị trường hay Ban Chỉ đạo 389 với đủ các ban bệ, tầng cấp, nhân sự... làm gì?! Nghị định 52 và Thông tư 47 về quản lý các sàn TMĐT đã có khá lâu rồi mà vẫn không "trói" được trách nhiệm các chủ sàn TMĐT, không quy buộc được nghĩa vụ công bố xuất xứ hàng hóa... thì rõ ràng là có cũng như không! Các quy định pháp lý đều do con người soạn thảo, cho nên khi áp vào thực tế mà vẫn bị "vênh" thì lỗi là do trình độ, năng lực của người soạn thảo, chứ đừng đổ thừa cho gian thương "quá tinh vi"!

Thực tế nêu trên rất nhức nhối, người dân cần nhà chức trách có giải pháp cụ thể và ngăn chặn hiệu quả chứ không phải là những lời hứa và sự vào cuộc nửa vời.

Quang Huy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/gian-thuong-tung-hoanh-2019121722594049.htm