Gian truân phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Những hình ảnh vệ tinh mới được CNN thu thập cho thấy, Triều Tiên đã mở rộng đáng kể một căn cứ tên lửa tầm xa nằm ở vùng núi của đất nước này. Có thể coi đây là một lời nhắc nhở rằng các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ có hiệu quả rất ít ỏi trong việc ngăn chặn ông Kim Jong Un theo đuổi ước mơ sản xuất hàng loạt và triển khai các loại đầu đạn hạt nhân hiện có trong kho vũ khí của mình.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, hoạt động mở rộng một căn cứ mới đang được xúc tiến

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, hoạt động mở rộng một căn cứ mới đang được xúc tiến

Cơ sở hạt nhân mới?

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ tên lửa Yeongjeo-dong và một địa điểm gần đó vẫn hoạt động và liên tục được nâng cấp.

Trong khi các cơ sở tại Yeongjeo-dong từ lâu đã được các cơ quan tình báo Mỹ và các nhà phân tích biết đến, thì những hình ảnh mới cho thấy, một cơ sở mới được xây dựng chỉ cách vị trí cơ sở cũ bảy dặm.

Hơn nữa, trong năm qua, dường như Triều Tiên đã mở rộng đáng kể một căn cứ tên lửa khác gần đó. Báo cáo của Viện Middlebury lưu ý rằng, không rõ liệu hai cơ sở này có tách biệt hay không. Những hình ảnh cho thấy Triều Tiên đang xây dựng một cơ sở ngầm cực kỳ lớn vào năm 2017 và tiếp tục xây dựng vào tháng 8/2018. Việc xây dựng này diễn ra ngay cả sau Hội nghị thượng đỉnh Singapore giữa Kim và Tổng thống Donald Trump vào tháng Sáu vừa qua.

Theo nhà phân tích Jeffrey Lewis, Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey và đồng nghiệp của ông là David Schmerler, vị trí độc nhất vô nhị của cơ sở này có thể phát triển các tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên, bao gồm cả những tên lửa có thể mang vũ khí hạt nhân và có thể tấn công nước Mỹ.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã cho biết, họ không ngạc nhiên bởi những phát hiện nguồn mở tương tự, nhưng đã từ chối đưa ra bình luận. “Chúng tôi quan sát Triều Tiên rất chặt chẽ. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ quá trình ngoại giao và sẽ không thảo luận về các vấn đề về tin tức tình báo”, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Trung tá Chris Logan cho biết.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Yeongjeo-ri là một căn cứ tên lửa và là “một trong những địa điểm quan trọng của Triều Tiên, đang được Mỹ theo dõi và giám sát”. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận thêm và nói rằng: “Việc chính thức thừa nhận nội dung của một báo cáo trên phương tiện truyền thông nước ngoài là không phù hợp với quân đội của chúng tôi”.

Thỏa thuận mơ hồ

Trong khi ông Kim không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ hoặc Hàn Quốc bằng cách tiếp tục sản xuất và triển khai các loại tên lửa hiện có, việc xác định một căn cứ tên lửa Triều Tiên khác đang hoạt động vào thời điểm này là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, ông Trump tin rằng nên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thứ hai với ông Kim, bởi các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện cam kết trong cuộc họp đầu tiên.

Ông Bolton cũng cho biết Mỹ sẽ xúc tiến với một cuộc họp thứ hai ngay sau năm mới với hy vọng đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa. Ông cũng cho biết rằng cho đến thời điểm đó, chính quyền Mỹ sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thường xuyên nhắc nhở đến việc Triều Tiên dừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo như một dấu hiệu của tiến bộ ngoại giao, đồng thời cũng cho rằng đề nghị của ông Kim trong việc tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân cho thấy sự nghiêm túc của lãnh đạo Triều Tiên về quá trình phi hạt nhân hóa.

Nhưng trong khi ông Trump vẫn khẳng định rằng Chủ tịch Kim đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong cuộc họp thượng đỉnh ở

Singapore vừa qua, thì sự thật là cuộc họp chỉ mang lại một thỏa thuận mơ hồ, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết xây dựng một “chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên “và” làm việc theo hướng hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/gian-truan-phi-hat-nhan-hoa-ban-dao-trieu-tien-3968468-b.html