Giảng dạy thế nào khi chọn nhiều bộ SGK?

Các trường học được quyền chủ động lựa chọn các đầu sách giáo khoa để giảng dạy trong danh mục các sách đã được TP HCM phê duyệt

UBND TP HCM vừa có quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 3, 7, 10 sử dụng từ năm học 2022-2023 để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Đáng chú ý, trong các sách được phê duyệt, có nhiều đầu sách thuộc các bộ sách khác nhau của các nhà xuất bản (NXB) khác nhau.

Nhiều đầu sách cùng được phê duyệt

Theo quyết định của UBND TP HCM, danh mục SGK lớp 7, lớp 10 sử dụng từ năm học 2022-2023 được phê duyệt có 31 SGK lớp 7 và 51 SGK lớp 10. Trong đó có nhiều đầu sách thuộc các bộ sách khác nhau của các NXB khác nhau. Chẳng hạn, ở môn toán lớp 10, danh mục sách được phê duyệt gồm cả sách thuộc bộ Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm và bộ Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam. Ở danh mục SGK lớp 7, ở môn toán lớp 7, có 3 sách cùng được phê duyệt thuộc các bộ Chân trời sáng tạo, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cánh diều của 2 NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Đại học Sư phạm. Ở danh mục SGK lớp 3, có 24 đầu sách được phê duyệt, trong đó có 20 bản thuộc NXB Giáo dục Việt Nam, còn lại thuộc một số NXB khác.

Học sinh chọn mua sách mới tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh chọn mua sách mới tại một nhà sách ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, danh mục SGK lớp 3, 7, 10 mà TP HCM vừa phê duyệt không có nhiều bất ngờ với các trường, vì trước đó quá trình lựa chọn SGK theo quy định của Bộ GD-ĐT quy định có các thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên (GV) đang trực tiếp giảng dạy bộ môn tại các cơ sở giáo dục. "Trong số những đầu sách được công bố, đều trùng khớp với đề nghị của nhà trường" - ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, thực tế hiện nay rất ít GV phụ thuộc vào SGK để giảng dạy, SGK chỉ là một tài liệu tham khảo cho GV, các thầy cô có thể kết hợp nhiều bộ sách khác nhau để giảng dạy, miễn đáp ứng theo khung chương trình và giúp HS đạt được các phẩm chất, năng lực cần có theo từng giai đoạn.

Có thể kết hợp nhiều đầu sách

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, dựa trên danh mục các đầu SGK được UBND TP phê duyệt, các trường sẽ đề xuất với sở giảng dạy những đầu sách, bộ sách nào. Các trường tiến hành bỏ phiếu và đề xuất. Đề xuất nào được bỏ phiếu nhiều nhất thì lựa chọn. Trong trường hợp sách mà trường chọn không nằm trong danh mục sách được UBND TP phê duyệt thì sẽ tổ chức lựa chọn lại và vẫn theo quy trình sách nào được bỏ phiếu nhiều thì chọn sách đó. "Nhưng dù chọn theo phương án nào thì các trường cũng phải thống nhất, có hướng dẫn chung trong nhà trường, thông tin đến phụ huynh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh" - ông Quốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng cho rằng GV trong các nhà trường hiện nay dạy theo chương trình, không dạy theo SGK vì SGK không còn là pháp lệnh nữa. Song song đó là quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh cũng thực hiện dựa trên đánh giá năng lực của các em, sử dụng nhiều dữ liệu để đánh giá học sinh đạt được ở mức độ nào, không nhất thiết căn cứ vào SGK. "Có thể ví dụ các đề thi tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây tại TP HCM vẫn nằm trong phạm vi kiến thức của lớp 9 nhưng không phụ thuộc vào SGK" - ông Quốc nói.

Giáo viên có nhiều lựa chọn

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 cho biết so với SGK lớp 1, 2, các đầu sách được phê duyệt ở lớp 3 nhiều hơn do đó các GV cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. "Tuy nhiên, tâm lý của GV lâu nay vẫn muốn dạy theo các đầu sách đã quen, vì thế không có nhiều xáo trộn trong quá trình góp ý chọn đầu sách nào để giảng dạy thống nhất. Nếu GV nào muốn kết hợp các tài liệu, sao cho tạo thuận lợi nhất cho học sinh thì nhà trường vẫn khuyến khích" - vị này cho biết.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giang-day-the-nao-khi-chon-nhieu-bo-sgk-20220719205243074.htm