'Giáo dục phổ thông đang chậm bước hơn trong quá trình cải cách và đổi mới'
Những năm qua, giáo dục đại học đã có những bước tiến nhất định, hòa nhập tốt vào nền giáo dục đại học quốc tế. Nhưng giáo dục phổ thông đang chậm bước hơn trong quá trình cải cách và đổi mới.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục Equest.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, nhận bằng tiến sĩ về Khoa học Trái đất của Đại học Tổng hợp Greifswald, Đức, năm 2007. Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học FPT. Cuối năm 2016, ông thôi làm hiệu trưởng Đại học FPT và chuyển sang làm Hiệu trưởng Đại học Thành Tây.
Tháng 7/2018, ông trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân, Thừa Thiên Huế. Năm 2020, ông chuyển sang làm CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh
Kiểm định và đảm bảo chất lượng sẽ đóng vai trò quan trọng và phân hóa giữa các trường
-Thưa ông, từ nhà quản lý giáo dục đại học giờ chuyển sang làm quản lý giáo dục phổ thông ở khối tư nhân, ông nhận thấy có sự khác biệt như thế nào về môi trường mới này?
- Việc chuyển sang giáo dục phổ thông sau nhiều năm làm giáo dục đại học là một thách thức mới nhưng cũng là cơ hội to lớn. Sau hai năm làm việc trong lĩnh vực phổ thông, tôi nhận thấy cơ hội lớn lao từ chương trình phổ thông quốc gia 2018 mang lại cho các nhà trường. Một không gian đổi mới được cởi trói khiến cho các trường có thể phát triển mạnh mẽ chương trình nhà trường nhằm cung cấp một chương trình học hiệu quả nhất cho từng học sinh của mình.
Trước đây, quá trình tự chủ của đại học cũng đã đem lại những đổi mới quan trọng và đem lại bước đổi mình bứt tốc của một loạt các trường đại học. Ngày nay, quá trình này cũng đã và đang diễn ra sôi động tại các trường phổ thông, nhất là các trường trong khối tư thục. Tôi mong muốn được tham gia quá trình của giáo dục phổ thông.
Nói về các vấn đề khác nhau thì có khá nhiều khác biệt trong việc vận hành trường đại học và trường phổ thông, có nhiều điểm khó và dễ khác nhau giữa hai hệ thống. Tuy nhiên, điểm chung là cả hai hệ thống đều cần những cách tiếp cận thận trọng dựa trên khoa học giáo dục thì mới có thể đi được xa.
Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả hai hệ thống đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, then chốt quyết định uy tín của hệ thống. Một điểm các trường đại học đã đi trước một bước đó là việc kiểm định và đảm bảo chất lượng sẽ đóng vai trò quan trọng và phân hóa giữa các trường. Các trường phổ thông tôi tin chắc cũng sẽ cần xây dựng những quy trình đảm bảo chất lượng để có thể phát triển bền vững.
Thế hệ tương lai cần một nền giáo dục khác với các thế hệ trước
-Theo ông vì sao lại có những ý kiến thiếu lạc quan về giáo dục như hiện nay?
-Có thể nói, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đều nghi ngờ về chất lượng giáo dục phổ thông của quốc gia mình. Điều đó cho thấy hai điều cơ bản. Một là về bản chất, giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục nói chung ở các quốc gia đều có độ trễ nhất định so với yêu cầu của phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và xã hội. Hai là đòi hỏi của các gia đình và xã hội với vấn đề giáo dục luôn ở mức cao và sẽ vẫn tiếp tục tăng nhanh cho dù các nền giáo dục cũng đang có những cải cách nhanh chóng.
Nếu như cách đây 10 năm nền giáo dục Phần Lan được coi là kiểu mẫu và được nhiều quốc gia học hỏi thì ngày nay nhiều người đang nhắc đến đổi mới giáo dục của Estonia. Nếu như các năm trước các nhà giáo dục Hoa Kỳ kỳ vọng nhiều vào chương trình “Không để trẻ bỏ lại phía sau” và chương trình Common Core thì ngày nay càng ngày càng nhiều người phản đối và phủ nhận nó. Nói cách khác đổi mới giáo dục là quá trình liên tục và cần được đầu tư có chiều sâu.
Trở lại Việt Nam, công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 chịu quá nhiều sự can thiệp phi chuyên môn cùng với sự trì trệ lâu năm của hệ thống nên hiệu quả của thay đổi chương trình lần này không được như hoạch định. Hiện có nhiều ý kiến bàn lùi, cải lương trong cải cách thì giáo dục Việt Nam có khả năng lại tiếp tục lỡ nhịp và duy trì hệ thống giáo dục lạc hậu.
Tuy nhiên, cũng phải nói việc triển khai thiếu quyết liệt và sự điều hành thống nhất cũng là rào cản khiến cho các nhà chuyên môn, phụ huynh bày tỏ quan điểm nghi ngờ về thành quả thực sự của chương trình phổ thông mới 2018. Muốn thay đổi căn bản giáo dục Việt Nam, chúng ta cần một lần nữa khẳng định phải căn bản thay đổi giáo dục phổ thông. Thế hệ tương lai thực sự cần một nền giáo dục khác với các thế hệ trước.
Giáo dục phổ thông đang chậm bước hơn trong quá trình cải cách và đổi mới
-Vì sao ông lại khẳng định muốn thay đổi căn bản giáo dục phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông?
-20 năm qua, xã hội đã có những thay đổi mạnh mẽ và căn bản về bản chất các mối quan hệ, các kết nối trong xã hội. Trẻ con ngày nay lớn lên trong một xã hội hoàn toàn khác với xã hội cha mẹ chúng lớn lên. Do đó, trẻ con ngày nay không nên được phát triển với nền giáo dục giống như cha mẹ chúng. Điều đó khiến cho những gì học được trong trường học trở nên không hữu ích và hiệu quả cho cuộc sống sau này của thế hệ mới.
Muốn có những thay đổi về giáo dục, chúng ta cần bắt đầu từ hệ thống giáo dục phổ thông, từ những cấp nhỏ nhất để giúp trẻ chủ động làm quen với những khái niệm, những giao tiếp của xã hội mới. Chúng ta cũng cần chuẩn bị cho các tác động tiêu cực không lường trước do công nghệ mới mang lại và đảm bảo an toàn cho trẻ trong xã hội mới.
Và hơn hết, giáo dục phổ thông mang tính nền tảng nên việc thay đổi căn bản cần xuất phát từ giáo dục phổ thông. Những năm qua, giáo dục đại học đã có những bước tiến nhất định, hòa nhập tốt vào nền giáo dục đại học quốc tế. Có thể nói giáo dục phổ thông đang chậm bước hơn trong quá trình cải cách và đổi mới.
Học sinh Hà Nội (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
-Giáo dục phổ thông hiện nay đã thay đổi căn bản về nền tảng như sách giáo khoa mới, chương trình mới, hợp tác quốc tế cởi mở hơn…có thuận lợi cho các nhà đầu tư giáo dục?
-Không nghi ngờ gì khi cho rằng quan điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có những điểm đổi mới mang tính căn bản của giáo dục. Sự cởi mở, tự chủ được thể hiện rõ sẽ mang lại cơ hội lớn lao cho đổi mới và phát triển.
Tuy nhiên, sự tự chủ cũng sẽ mang lại một cảm giác hụt hẫng, một khoảng trống lớn mà giáo dục phổ thông Việt Nam chưa thể làm quen ngay. Nhiều giáo viên vẫn chưa thể giảng dạy mà không tuân thủ tuyệt đối sách giáo khoa.
Nhiều nhà quản lý vẫn không tin giáo viên có thể làm chủ chương trình theo chuẩn đầu ra và vẫn triển khai kiểm tra, đánh giá theo nề nếp cũ. Điều này khiến cho hiệu quả của việc cải cách không có sự khác biệt đáng kể. Không những thế, sách giáo khoa mới chưa hoàn thiện ngay khiến các phụ huynh và cả giáo viên bối rối khi triển khai và nghi ngờ hiệu quả thực sự của quá trình đổi mới.
Với các trường tư thục và các nhà đầu tư giáo dục thì đây là cơ hội to lớn để trở nên khác biệt, để đầu tư mạnh mẽ hơn vào chương trình và giáo viên để có thể cung cấp dịch vụ giáo dục mang tính hiệu quả và cá nhân hóa cao hơn.
Chính sách thời gian qua đang mang lại những thay đổi tích cực
- Với ông, ông tin tưởng và kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển giáo dục trong thời gian tới khi các chính sách đã và đang điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay?
- Điều quan trọng nhất là Bộ giáo dục và đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiên định và nhất quán triển khai chương trình đã được phê duyệt. Nhiều đơn vị quản lý nhà nước cơ sở chưa hiểu rõ bản chất và cập nhật văn bản đã thay đổi gây không ít khó khăn cho đơn vị, đặc biệt các đơn vị tư nhân.
Các khái niệm mới như hội đồng trường đã được quy định nhưng mỗi đơn vị quản lý nhà nước hướng dẫn theo các cách hiểu khác nhau không nhất quán và không đảm bảo tự chủ theo tinh thuần của luật. Nhiều phòng sở giáo dục vẫn áp dụng những quy định cũ trong việc kiểm tra, đánh giá và thanh tra các đơn vị theo các văn bản cũ. Nhiều Sở giáo dục quy định cứng nhắc sách giáo khoa cho dù sách giáo khoa hiện nay đã không còn là pháp lệnh.
Chắc chắn rằng những nỗ lực thay đổi của chính sách thời gian qua đang mang lại những thay đổi tích cực. Vấn đề là sự sẵn sàng của cả hệ thống giáo dục bao gồm cả các trường học, đội ngũ giáo viên, các cán bộ cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định sự thành công bền vững của công cuộc cải cách lần này.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!