Giao nhiệm vụ bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản quan trọng phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, hoạt động khai thác khoáng sản thời gian vừa qua đã gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội. Do đó, việc khai thác khoáng sản một cách hợp lý và bền vững đang là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý của các ngành và địa phương.

Bình Thuận là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng với các loại khoáng sản có tiềm năng như: quặng sa khoáng titan, cát trắng thạch anh, wofram, đá ốp lát, sét bentonit, nước khoáng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phân bố rộng trên địa bàn tỉnh. Phải khẳng định rằng, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, dần đi vào nề nếp. Khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm đã góp phần phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương, nhất là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện nên tình hình khai thác khoáng sản trái phép đã được xử lý và từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn xảy ra nhiều nơi, một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản. Chính vì thế hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: Cát bồi nền, cát xây dựng. Nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là cấp huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chuyên môn. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Trong khi đó hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, tinh vi, chủ yếu thực hiện sau giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và có cảnh giới theo dõi, vì lợi nhuận bất chấp pháp luật. Bên cạnh đó địa bàn tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, một số loại khoáng sản phân bố rộng khắp gây khó khăn trong công tác bảo vệ khoáng sản. Khoáng sản là loại tài nguyên hữu hạn và hầu hết không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời coi trọng công tác phòng ngừa thông qua tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Với những thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch để bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, xử lý triệt để khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản. Phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp, bảo vệ tốt tiềm năng khoáng sản trước mắt và lâu dài nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan, các cấp chính quyền huyện, xã trong việc cung cấp, xử lý thông tin…

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phải kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, đồng thời phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Theo đó, UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời lên UBND cấp huyện khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời lên UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vượt thẩm quyền xử lý và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đối với UBND cấp huyện giáp ranh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trường hợp không thực hiện báo cáo UBND tỉnh xử lý…

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giao-nhiem-vu-bao-ve-nguon-khoang-san-chua-khai-thac-124929.html