Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo: Chính sách đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo là chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo.
Toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định này được triển khai, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo; thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa về vấn đề trên.
Chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo
- Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trong Dự thảo Luật Nhà giáo có nêu Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan “chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định”. Chúng tôi thấy đây là điểm mới khác với Luật viên chức, Bộ GD-ĐT thực hiện điều này để quản lý nhà giáo. Vậy quy định này có đúng với thực tế hiện nay không, thưa bà?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Quy định này đúng là một trong những điểm mới, khác với quy định trong Luật Viên chức và các luật pháp liên quan hiện hành. Đây cũng có thể coi là giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà giáo hiện nay.
Trên thực tế, Bộ GD-ĐT được giao thẩm quyền chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.
Tuy nhiên, đối với việc quản lý nhà giáo thì Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có quyền quản lý về chuyên môn đối với nhà giáo; không quản lý về số lượng, biên chế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đối với nhà giáo.
Hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn về giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc chuyển công tác cho các giáo viên có nguyện vọng khi nơi đi và nơi đến không cùng cơ quan quản lý.
Việc giao thẩm quyền cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý; từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.
Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Chế tài pháp lý để tháo gỡ các nút thắt trong cơ chế quản lý giáo dục
- Bà đánh giá việc giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có phù hợp hay không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Theo tôi, việc phân công nhiệm vụ cho các Bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không bắt buộc đưa vào Luật; hoặc quy định có tính nguyên tắc để Chính phủ linh hoạt trong phân công cụ thể.
Đối với Dự thảo Luật Nhà giáo, quy định giao quyền quản lý biên chế cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chính sách mới, xác định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo, trong đó có vai trò quản lý trực tiếp của các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo. Để bảo đảm chặt chẽ, Dự thảo Luật cũng quy định rõ “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo” trước khi giao Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo.
Như vậy là đúng theo nguyên tắc trong quản lý và phát triển nhà giáo được quy định trong Luật này là “phân cấp, phân quyền và có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước”.
Chính sách trên xuất phát từ yêu cầu mà thực tiễn đã và đang đặt ra đối với quản lý nhà giáo, đòi hỏi cần được điều chỉnh bởi luật này. Do vậy, cũng có thể coi đây là chế tài pháp lý để tháo gỡ các nút thắt trong cơ chế quản lý giáo dục mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã từng phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Ngành Giáo dục đang nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: giáo viên và tài chính”.
Được giao quyền quản lý biên chế, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo sẽ được chủ động trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về nhà giáo, làm căn cứ thực hiện việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và phát triển nhà giáo trong từng giai đoạn.
Ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo; thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề; trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Bám sát yêu cầu thể chế hóa nội dung tinh thần Kết luận 91
- Trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị có ghi rõ: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục…”. Luật Nhà giáo sẽ là một thể chế thực hiện. Vậy theo bà, Dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện hết tinh thần của Kết luận 91 chưa?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Có thể khẳng định, Dự án Luật Nhà giáo đã bám sát yêu cầu thể chế hóa nội dung tinh thần Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Nói cách khác, Kết luận 91 là căn cứ chính trị quan trọng để hình thành hệ thống chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này, bao gồm chính sách quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Xét về tổng thể, Dự thảo Luật Nhà giáo đã hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành giáo dục; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đúng tinh thần Kết luận 91 là “đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng”.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng hướng tới sự đồng bộ trong xây dựng đội ngũ nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm các quy định thống nhất về hệ thống chức danh nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn hóa và một số quyền, nghĩa vụ, chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đã xác định được một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển; bao gồm chính sách tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật; chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, thu hút người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Với hệ thống chính sách trên, Luật Nhà giáo không chỉ hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để phát triển đội ngũ nhà giáo mà còn tôn vinh nghề dạy học cao quý.
- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đã chia sẻ!