Giáo sư Nhật Bản say mê nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh

Khi nghiên cứu di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội rất xúc động, đọc đi đọc lại đến mức nhớ luôn nhiều đoạn văn trong đó. Ông nói: 'Tôi nhớ nhất là câu nổi tiếng: Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay'. Ông chỉ tiếc vì là người nước ngoài, nên có khi không hiểu hết được cái hay của cách dùng từ tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS.TS Furuta Motoo đánh trống khai giảng năm học mới.

GS.TS Furuta Motoo đánh trống khai giảng năm học mới.

Vị giáo sư nghiên cứu về người “anh hùng kiệt xuất hoàn hảo”

Nói về cơ duyện đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, GS.TS Furuta Motoo nhớ lại: “Khi tôi vào Trường Đại học Tokyo, là thời điểm chiến tranh tại Việt Nam diễn ra ác liệt nhất, mối quan tâm của một người muốn thử sức với các vấn đề ở Châu Á như tôi tự nhiên hướng đến Việt Nam. Kể cả trên báo chí Nhật Bản, phóng sự về chiến tranh Việt Nam cũng nhộn nhịp trên mặt báo hàng ngày, đối với tôi, dường như cả thế giới đang chuyển động với trung tâm là Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu có thể hiểu được về đất nước Việt Nam “trung tâm” đó thì có thể dễ dàng hiểu được về thế giới. Đó chính là lý do lớn nhất khiến tôi chọn Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của mình. Tôi chọn một chủ đề về Việt Nam làm đề tài luận văn tốt nghiệp đại học vào năm 1972, đến nay, tôi đã bước đi trên cuộc đời nghiên cứu với tư cách là một nhà Việt Nam học chuyên về lịch sử cận hiện đại được hơn 50 năm”.

GS.TS Furuta Motoo trong một buổi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh với các nhà khoa học và sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TS Furuta Motoo trong một buổi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh với các nhà khoa học và sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TS Furuta Motoo cho rằng, nếu muốn hiểu lịch sử cận hiện đại Việt Nam thì không thể không nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nên ông quan tâm đến hoạt động và tư tưởng của Người ngay từ đầu nghiên cứu Việt Nam. Ông bắt đầu nghiên cứu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh khi có chủ trương “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. GS.TS Furuta Motoo cho biết thêm: “Lúc đó ở Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình cấp nhà nước nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh nên tôi tương đối dễ tiếp cận các công trình nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là điều kiện thuận lợi”.

Tuy nhiên, ông cũng tiếc vì là người nước ngoài, dù có học nhiều về tiếng Việt nhưng vẫn không thể nào bằng người bản địa, nên có khi không hiểu hết cái hay của cách dùng từ tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS.TS Furuta Motoo nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những chỉ sinh thời mà còn sau khi qua đời hơn nửa thế kỷ vẫn được nhiều người kính mến và hầu như sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Với ý nghĩa như vậy nên tôi dùng từ “anh hùng kiệt xuất hoàn hảo” để nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), người cùng GS.TS Furuta Motoo trao đổi thảo luận nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, những hiểu biết của GS.TS Furuta Motoo về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rộng và sâu, những nghiên cứu của nhà nghiên cứu này cũng mang tính thực tiễn khoa học và thời sự rất cao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa phổ biến cho nhân loại

GS.TS Furuta Motoo khẳng định: “Tôi cho rằng cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự cân bằng giữa việc phát huy bản sắc dân tộc và việc hội nhập quốc tế. Trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa như hiện nay, việc tạo sự cân bằng giữa hai việc này càng trở thành quan trọng. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa phổ biến cho nhân loại”. Nghiên cứu di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rất xúc động, đọc đi đọc lại đến mức nhớ luôn cả nhiều đoạn văn trong đó.

Khi nói về tư tưởng Hồ Chí Minh, GS.TS Furuta Motoo rất hào hứng: “Luận điểm độc đáo là về mối quan hệ tư tưởng Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo coi trọng yếu tố dân tộc, như lời nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng đã chỉ rõ. Tôi cho rằng, một trong những quan điểm chủ đạo của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam là định hướng xây dựng đất nước trên cơ sở phát huy đặc điểm Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội đậm nét bản sắc Việt Nam. Tôi khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh sinh ra đổi mới và công cuộc đổi mới cần tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Gần nửa thế kỷ, vị giáo sư gắn bó với Việt Nam, dành trọn tâm huyết cho cầu nối văn hóa, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản.

Gần nửa thế kỷ, vị giáo sư gắn bó với Việt Nam, dành trọn tâm huyết cho cầu nối văn hóa, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản.

Là người được nghe GS.TS Furuta Motoo nói nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Thị Thu Giang, giảng viên Trường Đại học Việt – Nhật rất khâm phục: “Từ tầm nhìn sâu rộng của một nhà sử học, khu vực học (Việt Nam học), GS.TS Furuta Motoo đã dành nửa thế kỷ để nghiên cứu về các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, ông đã đưa người nghe từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khi giáo sư chia sẻ đã luôn ghi nhớ di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua và đọc ngay trước cử tọa, cũng như đưa ra những kiến giải mới mẻ, đầy tính thuyết phục về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều mà các học giả trong nước không dễ nhận ra”.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Giang, từ sự khẳng định ý nghĩa trọng đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Việt Nam hiện nay và trong tương lai, GS. TS Furuta Motoo mong muốn thế hệ trẻ của Việt Nam hiểu đúng và hấp thu tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là sự kết tinh trí tuệ dân tộc để có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, đưa Việt Nam ra với thế giới. Để làm điều đó, với trách nhiệm của một học giả, GS. TS Furuta chia sẻ sẽ nỗ lực nghiên cứu để chỉ ra ý nghĩa mang tính hiện đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

GS. TS Furuta Motoo trong buổi báo cáo khoa học quốc tế.

GS. TS Furuta Motoo trong buổi báo cáo khoa học quốc tế.

Cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh khi được nghe GS. TS Furuta Motoo phân tích, PGS.TS Phạm Thị Thu Giang nói: “Với trí tuệ và tâm huyết của một nhà sử học, Việt Nam học, GS. TS Furuta Motoo không chỉ đưa ra những kiến giải mới mẻ, sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và còn có những gợi ý mang tính thực tiễn cao trong việc giáo dục nhận thức của giới trẻ nói riêng và đường hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai nói chung. Đây chính là đóng góp quý giá của một nhà nghiên cứu người nước ngoài đối với Việt Nam. Hy vọng, nghiên cứu này của GS. Furuta Motoo sẽ mở ra bước ngoặt lớn, tạo cảm hứng cho những nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới từ nay về sau”.

GS. TS Furuta Motoo học tiếng Việt từ năm 1972, đến năm 1974, ông đến Hà Nội lần đầu tiên. Từ đó đến nay đã gần nửa thế kỷ, vị giáo sư gắn bó với Việt Nam, dành trọn tâm huyết cho cầu nối văn hóa, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản. GS. TS Furuta Motoo đã trở thành Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, được trao giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ và là người nước ngoài đầu tiên làm hiệu trưởng một trường đại học thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội. Tất cả là từ tình yêu với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TS.Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt – Nhật cho biết: “Thầy thật sự là cầu nối giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Thầy đã tạo cơ hội cho rất nhiều học giả, sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập và làm việc tại Nhật Bản”. Năm 1996, Nhà xuất bản Đại học Tokyo, Nhật Bản đã ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và đổi mới". Cuốn sách của giáo sư Furuta Motoo đã gây chú ý đối với giới nghiên cứu Nhật Bản. Ông cho rằng, để hiểu về Việt Nam, nhất thiết phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng giáo sư vẫn thường có các buổi nói chuyện với các nhà khoa học về những giá trị tư tưởng và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không khí các buổi nói chuyện rất cởi mở, khách quan để mọi người hiểu rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh. Những buổi trò chuyện với sinh viên, giáo sư Furuta luôn chỉ ra những điểm mới, sự hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/giao-su-nhat-ban-say-me-nghien-cuu-tu-tuong-ho-chi-minh-c8a61489.html