Giáo sư Serbia nói về mục đích của phương Tây đối với Nga
Cả giáo sư Serbia, luật sư Mỹ và nhà bình luận Mỹ đều chung nhận định rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, muốn sử dụng nhiều cách thức khác nhau, bao gồm cả thông qua Ukraine, để gây thiệt hại cho Nga, thậm chí làm tan rã quốc gia Đông Âu này.
Các mũi nhọn chĩa vào nước Nga
Nhà nghiên cứu Stevan Gajiс - giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Âu ở Belgrade (thủ đô của Serbia) vừa nói với đài Sputnik của Nga rằng các nước phương Tây tiếp tục làm hết sức mình để gây tổn hại cho Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Các thảo luận về mở rộng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự một cuộc họp gần đây của ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tổ chức ở Luxembourg vào ngày 26/6.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, tóm tắt kết quả hội nghị này như sau: “Kết luận từ cuộc tranh luận của chúng tôi là rõ ràng, tôi muốn nhấn mạnh điều này: phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine hơn bao giờ hết. Tiếp tục tăng cường ủng hộ, các loại ủng hộ, đặc biệt là về mặt quân sự”.
Mỹ gần đây cũng bày tỏ sẵn sàng công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD dành cho Ukraine. Gói này dự kiến bao gồm xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker.
Giáo sư Gajic nói: “Toàn bộ logic của phương Tây và các tuyên bố” đều liên quan đến chiến dịch của Mỹ và đồng minh tiếp tục gây tổn hại cho Nga, đặc biệt là bằng việc đổ thêm dầu vào xung đột ở Ukraine.
Vị giáo sư khẳng định: “Mỹ muốn kéo Nga vào một loạt xung đột nội bộ. Họ muốn gây cho Nga thật nhiều tổn hại thông qua Ukraine”.
Ông cũng gợi ý rằng các nước phương Tây “cuối cùng muốn chia tách nước Nga thông qua việc tạo ra các nhà nước bù nhìn giống như trong các bộ phim Hollywood”.
Tận dụng mọi cơ hội
Luật sư Mỹ Dan Kovalik có cùng quan điểm với Giáo sư Gajiс. Ông Kovalik nói với Sputnik rằng Nhà Trắng quan tâm đến việc kéo dài xung đột Ukraine bởi vì họ muốn thông qua nước này để “làm suy yếu nước Nga”.
Đề cập cuộc nổi loạn mới đây của hãng quân sự tư nhân Wagner, luật sư Kovalik cho rằng các nước phương Tây “muốn đẩy nhanh quá trình gây bất ổn cho nước Nga”.
Michael Shannon - một nhà bình luận chính trị chuyên viết bài cho công ty truyền thông Newsmax của Mỹ, có nhận định tương tự. Ông nêu “2 lý do” khả thi liên quan đến việc Washington cố gắng cung cấp cho Kiev các gói quân sự hạng nặng.
Shannon nói: “Thứ nhất, cuộc phản công mùa xuân vẫn chưa tiến được xa cho tới thời điểm này. Vẫn không khác nhiều với thế giằng co hồi mùa đông. Do vậy, các xe quân sự trên là để thay thế những xe bị tổn thất trong chiến đấu. Thứ hai, họ có thể tin rằng cuộc binh biến Wagner đã làm suy yếu vị thế của Nga ở Ukraine cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ muốn bồi tiếp đòn nữa càng sớm càng tốt”.
Các chuyên gia đưa ra các nhận xét trên sau khi Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các binh sĩ nước này đã đẩy lui thành công một loạt các cuộc tấn công do quân đội Ukraine triển khai khi nối lại cuộc phản công trên các hướng Donetsk, Krasny Liman và Nam Donetsk.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng Kiev không đạt được mục tiêu chiến lược vào đầu cuộc phản công (bắt đầu vào đầu tháng 6), mất hơn 180 xe tăng và hơn 400 xe thiết giáp.
Tương tự, một mạng tin tức Mỹ gần đây dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ thừa nhận cuộc phản công của Ukraine “không đạt được điều mong mỏi ở bất cứ mặt trận nào”. Nguồn tin này cho biết thêm rằng trong giai đoạn đầu, cuộc phản công gặt hái ít thành công hơn, còn lực lượng Nga thể hiện hiệu quả chiến đấu cao hơn so với đánh giá của phương Tây.
Kể từ khi Nga mở màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, các nước EU đã cung cấp hơn 55 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, bao gồm các khoản hỗ trợ về nhân đạo, tài chính và quân sự. Moscow liên tục cảnh báo rằng các viện trợ đó kéo dài ngọn lửa xung đột ở Ukraine.