Giật mình trước 'cơn lốc' hàng Trung Quốc siêu rẻ đổ bộ

Hàng tiêu dùng Trung Quốc vào Việt Nam không mới nhưng với giá siêu rẻ như mua tại xưởng lại là vấn đề rất cần quan tâm. Điều này khiến Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phải thốt lên rằng chính ông cũng giật mình vì thấy giá của họ quá rẻ.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua và cạnh tranh khốc liệt với sự xuất hiện của các tân binh mới như Temu, Shein, Taobao… Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT B2C, tức giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Temu xuất hiện tại Việt Nam và tung ra nhiều ưu đãi, giảm giá “sập sàn” nhằm hút người tiêu dùng.

Temu xuất hiện tại Việt Nam và tung ra nhiều ưu đãi, giảm giá “sập sàn” nhằm hút người tiêu dùng.

Thông tin bất ngờ về Temu

Tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12-2023 theo Statista).

Khảo sát năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, có 28% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website TMĐT nước ngoài, lý do 59% cho rằng giá rẻ hơn. Ước tính giá trị mua hàng hóa/dịch vụ qua mạng từ thương nhân nước nhân ngoài trong năm 2023 chủ yếu là đơn hàng dưới 5 triệu đồng, chiếm hơn 50%.

Thị trường hấp dẫn là lý do khiến các sàn TMĐT xuyên biên giới nhắm tới, đổ bộ vào thị trường Việt Nam, trong đó có Temu. Temu không chỉ rầm rộ quảng bá với chiến lược sản phẩm “siêu rẻ”, mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn háo hức tải phần mềm Temu về mua sắm và giới thiệu cho bạn bè vì được tặng ngay 50 nghìn đồng khi tạo tài khoản, nhận 150 nghìn đồng cho mỗi lần giới thiệu bạn bè và ưu đãi lên tới 1,5 triệu đồng. Đây được xem là chính sách ưu đãi chưa từng có ở Việt Nam với mục đích chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, tối ngày 23-10, Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, theo quy định, các sàn TMĐT nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi.

Tại họp báo thường kỳ mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định các sàn TMĐT nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.

Trước việc một số quốc gia quan ngại và cấm Temu như Indonesia, Bộ Công Thương đang giao Cục TMĐT và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động, đảm bảo quản lý chặt, chống gian lận hàng lậu, hàng giả.

Đáng lo ngại, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: "Bản thân tôi cũng giật mình vì thấy giá của họ rẻ nhưng chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể về nguồn gốc hàng hóa. Khi có kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát”.

Bộ Công Thương cho biết sẽ có một loạt phương án giải quyết về trường hợp của Temu trong trường hợp sàn TMĐT này không đăng ký tại Việt Nam.

Cấp thiết ứng phó

Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm nay và có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng. Vì vậy, không chỉ Temu mà thị trường này hứa hẹn sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều tân binh mới, đem theo “cơn lốc” hàng Trung Quốc giá siêu rẻ vào Việt Nam.

Ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion, đánh giá với sự xuất hiện của các nền tảng TMĐT như Temu, Taobao và 1688… việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam đang trở thành một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành thời trang.

Theo đó, bản thân DN phải chủ động ứng phó, thay vì cạnh tranh về giá, cần chú trọng phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với gu thẩm mỹ và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Thuận cho rằng: “Sự am hiểu về văn hóa và thị hiếu địa phương giúp doanh nghiệp tạo ra những bộ sưu tập không chỉ bắt kịp xu hướng mà còn phản ánh lối sống và giá trị của khách hàng, từ đó xây dựng lòng trung thành mà các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ khó có thể cạnh tranh” .

Cùng với đó, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu mạnh thông qua các chiến dịch truyền thông gắn kết khách hàng Việt; hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương như nhà cung cấp và nhà phân phối để mang lại giá trị phù hợp hơn cho từng phân khúc khách hàng cụ thể, điều này tạo lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm quốc tế.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, dự báo sự phát triển TMĐT sẽ là “cuộc chơi” xuyên biên giới, do vậy việc các sàn TMĐT nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam là điều tất yếu. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh tạo thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.

Bà Thực gợi ý: Người ta biết cách khai thác thế mạnh để đưa hàng hóa tiếp cận Việt Nam, vậy Việt Nam cũng cần biết sử dụng thế mạnh của mình. Thực tế, nhiều cá nhân đã tận dụng rất tốt công nghệ để bán hàng Việt thông qua xuất khẩu trực tuyến và thu về hàng nghìn USD mỗi tháng. Đây là xu hướng của thế giới, ai biết cách khai thác cơ hội sẽ thắng.

Tuy vậy, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực cũng nhìn nhận để tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước có môi trường cạnh tranh sòng phẳng, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý.

Theo bà, ở trung tâm thương mại, người bán phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo pháp luật, niêm yết giá, xuất hóa đơn. Vậy, đối chiếu lên sàn TMĐT, cơ quan quản lý cần phải xác định quản lý kinh doanh online phải như offline, tức người bán hàng trên sàn online cần phải đối chiếu, tuân thủ các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ, nộp thuế.

“Nếu người bán không kinh doanh thường xuyên cũng cần phải nộp thuế theo từng lần thì mới là công bằng với người bán offline. Trong khi đó, với sàn TMĐT cần xác định rõ vai trò, từ đó có gắn với yêu cầu cần xuất hóa đơn VAT hay không”, bà Thực kiến nghị.

Theo nhiều chuyên gia, trong điều kiện hiện nay khi mà TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh, số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua phương thức TMĐT vô cùng lớn với rất nhiều lô hàng nhỏ thì việc miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị nhỏ vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa tạo ra sự không công bằng trong đánh thuế. Vì vậy, cơ quan chức năng nên nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giá trị nhỏ. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt trên “sân nhà”.

Linh Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/giat-minh-truoc-con-loc-hang-trung-quoc-sieu-re-do-bo-1103218.html