Kiểm toán trách nhiệm kinh tế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước: Bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản công

Kiểm toán trách nhiệm kinh tế (TNKT) đối với lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức tài chính có vốn nhà nước (doanh nghiệp nhà nước - DNNN) là một phần quan trọng của kiểm toán TNKT nhằm duy trì an ninh tài chính, ngăn ngừa rủi ro, thúc đẩy cải cách và hoàn thiện quản lý giám sát, từ đó thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tài chính.

Quản trị nội bộ DN là một trong những nội dung quan trọng của kiểm toán TNKT. Ảnh minh họa

Quản trị nội bộ DN là một trong những nội dung quan trọng của kiểm toán TNKT. Ảnh minh họa

Dữ liệu lớn đóng vai trò quyết định

Mục tiêu của kiểm toán TNKT đối với lãnh đạo DNNN là thúc đẩy việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, tuân thủ pháp luật, kinh doanh hợp pháp; cải cách toàn diện, nâng cao trình độ quản lý; bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản công, phát huy hiệu quả của vốn nhà nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DNNN. Đối tượng kiểm toán là lãnh đạo các DNNN, bao gồm cả người đang đương chức, đã nghỉ hưu và luân chuyển công tác.

Theo ông Shi HuiZhong - Văn phòng đặc phái viên tại Trùng Khánh, Kiểm toán nhà nước Trung Quốc (CNAO), dữ liệu lớn đóng vai trò quyết định đối với kiểm toán TNKT, do đó, Trung Quốc đã hình thành kho dữ liệu quốc gia từ lâu với độ chính xác cao. Việc phân tích các loại dữ liệu khác nhau và đưa ra thông số chính xác giúp kiểm toán viên đưa ra những phán đoán chính xác về tình hình hoạt động của DN. Chẳng hạn như dữ liệu về sử dụng điện có thể đánh giá được tình trạng sản xuất, kinh doanh; giấy phép kinh doanh và dữ liệu hải quan có thể chỉ ra số liệu về xuất nhập khẩu...

Ngoài dữ liệu trên hệ thống quốc gia, các tài liệu khác được thu thập từ trong và ngoài DN như: Biên bản họp, kế hoạch công việc, báo cáo kết quả kinh doanh, giao dịch, phỏng vấn nhân viên, khách hàng đều là những thông tin quan trọng để tham khảo, sử dụng để phản biện và bảo vệ bằng chứng đã thu thập. Yếu tố quyết định là tính xác thực, thông tin rõ ràng, văn bản phải được đóng dấu, ghi rõ nguồn, thời gian cung cấp; phỏng vấn phải được ghi âm, có biên bản.

Liên quan đến công tác quản lý và tình hình tài chính của DNNN nên cuộc kiểm toán TNKT đối với lãnh đạo DNNN gắn chặt với các nội dung về: Thực hiện các chính sách kinh tế và triển khai các quyết định quan trọng; đánh giá rủi ro tiềm ẩn, nhất là với DNNN tham gia lĩnh vực bất động sản; thực hiện các giải pháp trong công tác tái cấu trúc, đầu tư ra nước ngoài; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; xử lý nợ; phát triển các ngành sản xuất mới mang tính chiến lược... Do đó, khi kiểm toán TNKT đối với lãnh đạo DNNN, đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán luôn báo cáo tài chính, các dự án đầu tư của DN đó. Thời gian thực hiện kiểm toán có thể kéo dài từ 2-3 tháng.

Các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân và gây tổn hại đến lợi ích của DN, nhà nước đều phải trừng trị nghiêm khắc và hoạt động kiểm toán là công cụ đắc lực phục vụ công cuộc phòng, chống tội phạm kinh tế.

Ông Shi HuiZhong - Văn phòng đặc phái viên tại Trùng Khánh, CNAO

Để có thể đánh giá TNKT của người lãnh đạo, đoàn kiểm toán sẽ phải kiểm toán đầy đủ các nội dung liên quan đến tình hình tài chính, bao gồm: Tài sản; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; lãi, lỗ; báo cáo tài chính hợp nhất. Nhiều số liệu giả có thể được ghi vào báo cáo, vì vậy kiểm toán viên phải đánh giá và đưa ra dự báo lãi/lỗ trong của DN, từ đó đối chiếu với thông tin trong báo cáo tài chính.

Đặc biệt, CNAO tập trung vào kiểm toán các quyết định kinh tế quan trọng của DN, cụ thể: Kiểm tra tính khoa học, hợp pháp, tuân thủ và hiệu quả của các dự án lớn, đầu tư nước ngoài; Dự án đầu tư có đúng chủ trương, chính sách của quốc gia và đạt hiệu quả kinh tế như kế hoạch đề ra; Dự án có nằm trong danh mục được phép đầu tư và cơ chế quyết định có phù hợp với hệ thống phân quyền DNNN; Dự án có được các cơ quan hữu quan phê duyệt theo quy định và hoạt động quản lý vốn thực hiện đúng quy trình; Có tồn tại việc can thiệp điều chỉnh kết quả định giá hoặc thay đổi giá giao dịch gây thiệt hại cho Nhà nước...

Ngăn chặn các quyết định rủi ro cao, kiểm soát tính liêm chính của lãnh đạo

Ông Shi HuiZhong cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc đầu tư nhiều dự án ở nước ngoài nên ngoài tuân thủ quy định trong nước, DN phải tuân thủ luật pháp các nước, đặc biệt là các vấn đề môi trường. Kinh nghiệm của CNAO cho thấy, kiểm toán TNKT phải lưu ý các vấn đề này để xác định rủi ro, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia cũng như của DNNN. Mục tiêu kiểm toán là ngăn chặn việc đưa ra quyết định đầu tư rủi ro cao, tất cả các dự án phải đảm bảo đúng quy định, quy trình, quản trị tốt và thu lợi nhuận.

Bên cạnh việc đánh giá rủi ro của các dự án đầu tư lớn, kiểm toán viên kiểm toán tình trạng quản lý và kiểm soát rủi ro trong DN, bao gồm: Rủi ro nợ; tác động môi trường; an ninh mạng; rủi ro đầu tư; tài chính; tranh chấp pháp lý. Mục tiêu kiểm toán là tăng năng lực kiểm soát rủi ro của lãnh đạo và DN, hoàn thiện mô hình kiểm soát rủi ro và có giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết rủi ro.

Quản trị nội bộ DN cũng là một trong những nội dung quan trọng của kiểm toán TNKT bởi tình trạng doanh thu tăng/giảm bất thường, sử dụng tài chính sai mục đích xảy ra khá phổ biến ở các DN. Kiểm toán quản trị nội bộ tập trung vào quản lý tài chính, kinh doanh bán hàng, dự án công trình, quản lý an toàn sản xuất, mua sắm, dịch vụ đảm bảo, lương thưởng... Kết quả kiểm toán các nội dung này sẽ phản ánh rõ nét năng lực cũng như trách nhiệm của người lãnh đạo trong quá trình quản lý DN.

Tính liêm chính được CNAO xác định là một nội dung riêng trong kiểm toán TNKT bởi tác phong của người lãnh đạo sẽ thúc đẩy công tác xây dựng Đảng trong sạch và chính quyền liêm khiết. Người lãnh đạo như đầu tàu, chịu trách nhiệm lớn nhất cho mọi nhiệm vụ chính trị và phải giám sát các đơn vị, công ty con, cấp dưới thực hiện tính liêm khiết...

Ngoài ra, hoạt động đầu tư nước ngoài, quản lý dự án lớn thường có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm nhưng không dễ phát hiện. Một số lãnh đạo lợi dụng các hoạt động kinh tế để tư lợi cá nhân hoặc có quyết định không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho DN, nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thực tế, không phải cứ kiểm toán sẽ phát hiện ngay ra tham nhũng và các cơ quan kiểm toán sẽ không đủ nguồn lực để đảm bảo tất cả các lãnh đạo đều được kiểm toán TNKT (ít nhất 1 lần/nhiệm kỳ). Do đó, kiểm toán TNKT đối với lãnh đạo DNNN thường tập trung nhiều vào cá nhân lãnh đạo chủ chốt và người nhà có đăng ký kinh doanh hoặc có giao dịch lớn với DNNN. Các dấu hiệu cần lưu ý gồm: Bán giá thấp hơn để có lợi ích nhóm; dùng danh nghĩa người nhà, lãnh đạo để đấu thầu, giao dịch; tài sản bị bán giá rất rẻ so với thực tế; bí mật thương mại được tiết lộ ra bên ngoài, cho người nhà./.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-trach-nhiem-kinh-te-lanh-dao-doanh-nghiep-nha-nuoc-bao-toan-va-gia-tang-gia-tri-tai-san-cong-35764.html