Gieo mầm sự sống...

'Tuần lễ hiến ghép mô, tạng Việt Nam 2024' được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày mồng 7-12/10. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tuần lễ này, ngoài vai trò là nền tảng để làm nổi bật các nội dung của việc hiến, ghép mô, tạng tại Việt Nam còn có mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc làm này đối với người dân.

Từ trường hợp chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/2010, đến 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 25 ca chết não hiến tạng, nâng tổng số tạng hiến từ người chết não lên 87 người trên 829 bệnh nhân ghép, đạt tỉ lệ 10,49%. Đây được coi là số lượng kỷ lục khi so với các năm trước, tỉ lệ này thường dao động từ 5% - 6%. Tuy nhiên, danh sách những người chờ ghép tạng ở nước ta vẫn còn dài, đòi hỏi cần lan tỏa sâu rộng hơn nữa phong trào ý nghĩa này để cứu sống những người bệnh có nhu cầu.

Trước đó, vào ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng với tinh thần “cho đi là còn mãi”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô, tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến tạng trên cả nước và khẳng định rằng: “Chúng ta cùng chung tay xây dựng xã hội nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hành động của người đứng đầu Chính phủ được người dân ghi nhận và tạo hiệu ứng rất tích cực.

Theo số liệu của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong khoảng 10 năm, Việt Nam có 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Từ sau lễ phát động đăng ký hiến tạng diễn ra ngày 19/5, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng ký hiến tạng thì con số này tăng rất nhanh, thêm 10.000 người.

Hiến tạng không còn là khái niệm quá xa lạ đối với mỗi người dân. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, việc hiến tạng được coi là hành động nhân văn cao cả, là “món quà sự sống” khi đã giúp hồi sinh biết bao cuộc đời.

Một điều đáng mừng là hiện Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển. Đây chính là niềm hy vọng lớn lao của những người mắc bệnh hiểm nghèo vì chỉ cần có nguồn tạng được tặng, họ sẽ được nhân lên cơ hội sống và làm việc.

Những ca ghép tạng luôn được truyền thông đưa tin rộng rãi, khiến hàng triệu người dân hồi hộp dõi theo, từ quá trình vận chuyển các bộ phận tạng được hiến tặng đến bệnh viện nơi có bệnh nhân chờ ghép đến khoảng thời gian căng trí, căng sức để níu giữ sự sống cho bệnh nhân của ekip y, bác sĩ thực hiện phẫu thuật.

Đến khi người bệnh được ghép tạng tự thở những nhịp đầu tiên, sự xúc động đó như vỡ òa trong lòng mỗi người, cho dù họ không có quan hệ gần gũi nào với người bệnh. Sự xúc động đó không chỉ vì cảm phục trình độ, tay nghề của các y, bác sĩ Việt Nam trong việc chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao ở lĩnh vực ghép tạng mà đằng sau đó là sự cảm phục tấm lòng nhân ái, dũng cảm của những người hiến tặng tạng của người thân để cứu sống người khác; là niềm hạnh phúc khi một cuộc đời mới được hồi sinh. Hồi sinh một cuộc đời khi họ đang ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết thật ý nghĩa biết bao.

Tại Quảng Trị, theo con số thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ năm 2019-2024 có 42 người đăng ký hiến xác, hiến mô tạng, giác mạc. So với các tỉnh ở khu vực miền Trung thì số lượng người đăng ký hiến tạng ở Quảng Trị khá cao.

Ngày càng có nhiều người đăng ký hiến tạng vì nhận thức được ý nghĩa nhân văn, cao cả của việc làm này. Ai cũng biết, đây là món quà quý giá nhất, cũng là quyết định khó khăn nhất của những người thân ở lại. Vì phần lớn chưa thấy được hiến tạng là văn hóa, là trách nhiệm với cộng đồng mà vẫn còn quan niệm sau khi chết phải giữ nguyên các bộ phận trên cơ thể.

Con số thực tế đã chứng minh điều đó khi hơn 94% tạng ghép ở nước ta là từ nguồn hiến sống; tỉ lệ người chết não đăng ký hiến tạng còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác thông tin, tuyên truyền về hiến tạng, ghép tạng chưa được sâu rộng, đầy đủ trong các cơ sở y tế, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Vì vậy, công tác truyền thông không nên chỉ tập trung vào việc đưa tin về các ca ghép tạng thành công mà cần hướng tới tuyên truyền, vận động người dân về tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp này.

Việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó thực hiện.

Điều này đòi hỏi phải đả thông được tư tưởng, nâng cao nhận thức, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng với tinh thần “cho đi là còn mãi”; động viên các gia đình vượt qua đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác.

Để hiến tạng trở thành xu thế như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ, ngoài công tác tuyên truyền, cần tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách và đáp ứng đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình ghép tạng.

Về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản để người dân dễ tiếp cận; các quy định về pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết; có chế độ cho người hiến tạng và gia đình của họ.

Để việc làm ý nghĩa này lan tỏa đến người dân nhiều hơn, các địa phương cần xây dựng mạng lưới vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gieo-mam-su-song-189248.htm