Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục, truyền thống và ẩm thực riêng biệt làm phong phú bản sắc văn hóa tại Bình Phước. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là vấn đề hết sức cần thiết để mạch nguồn di sản văn hóa của cha ông mãi trường tồn.

Bài 1:
NHỮNG NGƯỜI TRẺ “NGƯỢC LỐI”

Trong dòng chảy xã hội hiện đại ngày nay, không ít bạn trẻ dường như bị nhạt phai bản sắc văn hóa dân tộc, không còn mặn mà với những phong tục, tập quán, di sản văn hóa của dân tộc mình. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bạn trẻ biết trân trọng giá trị truyền thống của cha ông gìn giữ qua bao thế hệ. Họ đã và đang hành động, để những nét đẹp, di sản văn hóa không bị lãng quên theo thời gian.

Triển vọng từ áo cưới thổ cẩm

Huyện Hớn Quản là một trong những địa phương tại Bình Phước có khá đông đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống. Trong đó tại 2 xã An Khương và Thanh An, các bà, các mẹ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những chiếc mền, khăn quàng cổ, quần áo thổ cẩm vừa có giá trị kinh tế vừa mang giá trị văn hóa dân tộc đậm nét luôn là niềm tự hào của những người phụ nữ S’tiêng.

Những tấm thổ cẩm đầy màu sắc của đồng bào S’tiêng ở huyện Hớn Quản được dệt hoàn toàn bằng thủ công

Những tấm thổ cẩm đầy màu sắc của đồng bào S’tiêng ở huyện Hớn Quản được dệt hoàn toàn bằng thủ công

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bà, mẹ và dì là những người dệt thổ cẩm có tiếng tại địa phương, nhưng tiếc nuối lớn nhất của chị Thị Bé Lan, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh An là không kế thừa được năng khiếu thêu, dệt độc đáo của dân tộc mình. Khi thấy sản phẩm dệt thổ cẩm khó tiêu thụ, chưa mang lại thu nhập ổn định cho các bà, các mẹ người S’tiêng, chị Thị Bé Lan đã tìm cách kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để đưa sản phẩm thổ cẩm vươn xa. Chị đã lên ý tưởng, học hỏi các mẫu thiết kế trên internet, vẽ phác thảo và liên kết với một số nhà may để tạo thành sản phẩm. Chị Thị Bé Lan cho biết: “Ban đầu, để tạo nên những chiếc váy cưới thổ cẩm gặp rất nhiều khó khăn vì không chỉ tốn nhiều vải mà còn phải là những hoa văn sặc sỡ, đồng đều. Mình phải đặt hàng vải dệt trước, sau đó tìm nhà may phù hợp để may theo thiết kế của váy cưới hiện đại. Nhờ sự hỗ trợ của các mẹ, các dì mà sản phẩm đã hoàn thành theo đúng ý mình”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là vấn đề hết sức cần thiết để mạch nguồn di sản văn hóa mãi trường tồn. Trong ảnh: Chị Thị Bé Lan ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản giúp khách hàng thử trang phục thổ cẩm S’tiêng

Sau khi đã có sản phẩm, chị Thị Bé Lan gửi đến các tiệm áo cưới ở những khu vực đông người S’tiêng sinh sống để trưng bày, cho thuê. Ngoài ra, chị đặt may nhiều sản phẩm quần áo thổ cẩm đặc trưng của dân tộc mình, trưng bày tại nhà để phục vụ người dân, thanh niên thuê mặc vào dịp lễ, hội truyền thống, ngày cưới. Thời gian rỗi, chị lại chia sẻ hình ảnh sản phẩm áo cưới thổ cẩm và trang phục truyền thống của dân tộc mình lên các ứng dụng mạng xã hội để quảng bá.

Năm 2023, sản phẩm “Áo cưới thổ cẩm người S’tiêng” của chị Thị Bé Lan lọt vào chung khảo cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Phước lần thứ 2 và giành giải triển vọng. Giải thưởng ý nghĩa này đã tiếp thêm động lực để chị sáng tạo ra nhiều sản phẩm áo cưới độc đáo, “chắp cánh” cho thổ cẩm S’tiêng đến với nhiều người.

Mang điệu rom vong vươn xa

Có tình yêu sâu đậm với âm nhạc và các điệu múa của dân tộc Khmer, chị Thị KMấp ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã trở thành người đồng hành đặc biệt với các thành viên đội văn nghệ chùa Sóc Lớn.

Năm 2012, khi mới 10 tuổi, chị KMấp tham gia đội văn nghệ chùa Sóc Lớn. Chị được các anh, chị đi trước truyền lại niềm đam mê những điệu múa dân gian và nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer. Sau gần chục năm gắn bó với đội văn nghệ, chị trở thành “huấn luyện viên” cho các em nhỏ khác trong đội. Các em coi chị là “bầu show”, là thủ lĩnh “tinh thần” dẫn dắt trong tập luyện và biểu diễn.

Những điệu múa gáo dừa, múa khăn, múa rom vong, Saravan duyên dáng được các thành viên đội văn nghệ luyện tập nhuần nhuyễn, tham gia biểu diễn, giao lưu tại các hội diễn, liên hoan tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Chị Thị KMấp hỗ trợ các thành viên đội văn nghệ chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) tập múa gáo dừa

Chị Thị KMấp hỗ trợ các thành viên đội văn nghệ chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) tập múa gáo dừa

Chị Thị KMấp chia sẻ: Ngoài công việc thường ngày, tôi đồng hành với các em trong những buổi luyện tập và biểu diễn. Nhiều điệu múa tôi học được từ những anh chị đi trước, số khác phải tìm hiểu, học tập thêm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thấy các em hiếu học, chăm chỉ luyện tập tôi mừng lắm.

“Vào dịp lễ hội truyền thống của người Khmer và các lễ hội khác tại địa phương, đội văn nghệ lại hăng hái tham gia biểu diễn, mang đến cho bà con nhiều tiết mục đặc sắc, đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc. Đội văn nghệ ngày càng nhận được sự tin yêu, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bạn trẻ, cũng như sự ủng hộ tích cực từ phía gia đình. Qua đó, những người trẻ chúng tôi đã cùng lan tỏa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình” - chị Thị KMấp chia sẻ thêm.

Các chị Thị Bé Lan, Thị KMấp là hai trong số nhiều người trẻ tại Bình Phước được xem là những người “đi ngược chiều gió” của thời hiện đại. Họ đã và đang hành động để góp phần gìn giữ, phát huy các nét đẹp di sản văn hóa dân tộc mình. Lựa chọn của họ có thể không nhận lại nhiều lợi nhuận về kinh tế cho bản thân, song cái được lớn nhất của họ là trở thành thế hệ kế thừa, là người giữ “ngọn lửa tình yêu” với phong tục truyền thống, với di sản văn hóa của dân tộc.

Lê Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/164512/gin-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc