Gìn giữ di tích lịch sử chùa Lốc, thị trấn Mãn Đức

Chùa Lốc tọa lạc tại khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Chùa được khởi dựng từ lâu đời. Xưa kia khu đất dựng chùa có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm của Mường Định, cạnh đường liên xóm thuận tiện cho đi lại và tổ chức những sinh hoạt cộng đồng.

Chùa Lốc tọa lạc tại khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Chùa được khởi dựng từ lâu đời. Xưa kia khu đất dựng chùa có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm của Mường Định, cạnh đường liên xóm thuận tiện cho đi lại và tổ chức những sinh hoạt cộng đồng.

Chùa Lốc, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chùa Lốc, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ban đầu nhân dân sử dụng phiến đá tự nhiên rộng khoảng 2,5m2 dưới gốc cây đa cổ thụ làm nơi thờ tự. Khối đá tựa hình rùa, trên phiến đá đặt 1 bụt mọc và 1 bát hương gốm Thổ Hà. Sau đó, bà con dựng ngôi nhà khung bằng cột tre, mái bằng lá cọ, rộng khoảng 4m2, mặt quay hướng Nam để che cho phiến đá hình rùa, nhưng rồi ngôi chùa bị phá hủy. Năm 1980, nhân dân tiến hành dựng lại chùa, xây bằng gạch, mái đổ xi măng, đắp giả ngói ống. Ban thờ được tận dụng từ mặt phẳng của khối đá lớn hình rùa, thiết kế theo kiểu tam cấp, lát gạch màu đỏ. Trên đặt Bụt đá, bát hương gốm Thổ Hà và một số đồ thờ tự khác. Qua nhiều lần tu sửa, ngày nay ngôi chùa có kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh với các hạng mục chính là nhà tiền đường, hậu đường và các hạng mục phụ trợ khác.

Khởi nguyên chùa Lốc thờ Bụt đá. Đây là nét tín ngưỡng độc đáo, phổ biến trong đời sống của người Mường. Hiện nay, ngoài thờ Bụt đá nhân dân còn thờ bà Chúa Nàng Chiều.

Xưa lễ hội truyền thống chùa Lốc diễn ra trong 1 ngày, vào mùng 7 tháng Giêng (tính theo lịch Mường Bi là ngày 6 cây tháng Tư). Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện tại chùa vào buổi sáng. Phần hội diễn ra sau phần lễ đến hết ngày, nhân dân trong vùng và du khách thập phương đi chơi hội tham gia các trò chơi dân gian ném còn, đánh mảng, kéo co, đẩy gậy, hát sắc bùa, hát thường đang bộ mẹng, hát đúm… Do nhiều yếu tố đến nay lễ hội vẫn chưa được phục dựng và tổ chức lại.

Chùa Lốc là công trình văn hóa tín ngưỡng lâu đời của nhân dân, là ngôi cổ tự có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Trải qua nhiều thăm trầm của lịch sử, ngôi chùa cổ không còn nhưng hiện trạng vẫn bảo lưu được cổ vật quý, có giá trị văn hóa. Bằng nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay ngôi chùa đã được phục dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương. Chùa Lốc đã có những đóng góp tích cực trong việc duy trì, củng cố mối quan hệ xóm giềng, làng xã, làm phong phú thêm cuộc sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Di tích chùa Lốc cách trung tâm huyện Tân Lạc không xa, đường giao thông thuận tiện. Lễ hội chùa Lốc xưa là nét đẹp văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thời gian tổ chức lễ hội cùng thời điểm tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, kết hợp giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh tại di tích, trong tương lai di tích chùa Lốc là một trong những địa chỉ tham quan, du lịch có sức hấp dẫn, tạo đà cho ngành du lịch của huyện, tỉnh phát triển.

Với quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và với những giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, đầu năm 2024, di tích chùa Lốc được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Quyên Anh

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/187208/gin-giu-di-tich-lich-su-chua-loc,-thi-tran-man-duc.htm