Gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Trước những biến động trong nhiều giai đoạn lịch sử, do dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái, trong quá trình sống và giao thoa với các nền văn hóa khác làm tộc người Ơ đu đứng trước nguy cơ mai một, trong đó có trang phục. Trước thực tế đó, với tình yêu và lòng tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống, bà Lô Thị Dung vẫn ngày đêm cần mẫn bên khung cửi với mong muốn giữ nghề, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Bà Lô Thị Dung, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An)vốn là người trầm tính, hiền lành, ít nói nhưng khi được hỏi về dệt thổ cẩm, trông bà vui và sôi nổi hẳn lên. Bà có thể ngồi nhiều giờ để kể về niềm đam mê nghề dệt thổ cẩm của mình.
Ngày xưa để có được tấm thổ cẩm không hề đơn giản vì phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả. Đầu tiên là trồng cây bông vải, chờ đợi nhiều tháng cây mới cho quả.
Quả sau khi thu hoạch được phơi khô và tách bóc hạt để lấy bông. Từ bông mới kéo thành sợi, tiếp đến sợi được nhuộm nhiều màu sắc khác nhau từ nguyên liệu.
Để có một nồi nước nhuộm, trước đó bà Dung phải vào rừng sâu để lấy các loại vỏ cây mang về cho vào nồi đun sôi và cho vào một ít vôi bột. Cứ thế đun khi nào nước ra màu thì cho vải vào để nhuộm… tất cả đều bằng phương pháp thủ công rất công phu.
Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu, những sợi tơ mới được đan lên khung và để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp, đòi hỏi bàn tay khéo léo, thể hiện tâm hồn của người dệt.
Mặc dù tuổi đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày bà Dung vẫn miệt mài luồn từng sợi tơ để dệt nên tấm thổ cẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của bà, những sợi bông vải đã được kết nối, hóa thân thành những “bức tranh” với nhiều màu sắc, mang đậm nét đặc trưng của người dân tộc Ơ đu.
Bà Vi Thị Dung là một trong rất ít người còn biết thêu dệt trang phục dân tộc Ơ đu cho biết: “Để làm ra một bộ trang phục cần sự kiên trì, tỉ mỉ và mất không ít thời gian vì tất cả các công đoạn đều phải làm bằng phương pháp thủ công.
Với trang phục của phụ nữ Thái thường được thêu với nhiều loại hoa văn phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ thì chân váy của người phụ nữ Ơ đu thường thêu các hình khối zíc zắc và nhỏ bản hơn với so với chân váy người phụ nữ Thái.
Thân váy và áo của người phụ nữ Ơ đu thường là màu đen. Áo của phụ nữ Ơ đu có tay phải dài, không có áo tay ngắn. Tuy nhiên, chiều dài của áo thì chỉ quá ngực, vừa chạm đến phần eo. Áo không khuy, không cúc, mà dùng 4 sợi dây buộc chéo; thắt lưng và khăn quấn đầu không thêu hoa văn.
Cũng giống như nữ giới, nam giới đồng bào dân tộc này cũng có bộ trang phục riêng và không kém phần độc đáo. Với bộ trang phục người phụ nữ màu chủ đạo là màu đen, thì nam phục người Ơ đu là màu đỏ nhạt, màu chàm”.
“Trong bản còn rất ít người biết thêu dệt trang phục dân tộc Ơ đu, con cháu bây giờ không còn mặn mà với nghề dệt, vì để hoàn thành một bộ trang phục phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian mà giá trị kinh tế lại không cao. Vì vậy, cứ lớn lên, người thì đi học làm cán bộ, người thì đi làm công ty trong Nam, ngoài Bắc.
Dù tuổi đã cao, sức cũng đã yếu, nhưng lo nghề truyền thống của dân tộc bị mai một, nên tôi nhận dạy miễn phí cho những ai muốn học. Hiện cô cháu nội mới học lớp 6, nhưng tôi phải kèm để truyền nghề cho cháu. Mới đầu, cháu có vẻ không hứng thú, dần cháu quen nên ham học hơn”, bà Dung chia sẻ.
Mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm đều ẩn chưa trong đó không chỉ là sự sáng tạo, tính nghệ thuật mà còn chất chứa cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của người nghệ nhân. Cho nên bà Dung luôn khao khát được sống với nghề dệt và mong muốn luôn được nhìn thấy sản phẩm dệt hiện hữu trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc ít người Ơ đu.
Theo sự phát triển của xã hội, cũng như các đồng bào dân tộc khác, đồng bào dân tộc Ơ đu cũng thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống, mà thay vào đó là những bộ trang phục phổ thông, được bày bán tiện lợi ở nhiều cửa hàng.
Thiết nghĩ, chỉ có sự tâm huyết của bà Dung là chưa đủ, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan cần có những giải pháp căn cơ hơn để gìn giữ nghề dệt truyền thống của tộc người Ơ đu. Qua đó góp phần làm giàu thêm bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.