Gio Bình, miền quê khởi sắc

Để giảm nghèo bền vững và thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gio Bình (Gio Linh) đã phát huy nội lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên đã sớm được công nhận là xã nông thôn mới.

 Tham quan mô hình trồng ổi lê Đài Loan ở Gio Bình

Tham quan mô hình trồng ổi lê Đài Loan ở Gio Bình

Chủ tịch UBND xã Gio Bình Tạ Quang Lộc khẳng định: “Nhờ xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm và xuyên suốt nên trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Qua đánh giá những tiềm năng, lợi thế và cả thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, từ đó hoạch định, đề ra các nhóm giải pháp tổng hợp để thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong toàn xã, đến nay Gio Bình đã được công nhận là xã nông thôn mới với nhiều tiêu chí vượt trội…”.

Trong xây dựng nông thôn mới, xã tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng, quy hoạch chi tiết vùng kinh tế nhằm phát huy thế mạnh về đất đai, từ đó hình thành nên các vùng sản xuất lương thực và cây công nghiệp thực phẩm, vùng phát triển chăn nuôi; vùng phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định song song với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, xã Gio Bình tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - thương mại dịch vụ - công nghiệp. Riêng việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và các ngành liên quan, xã chỉ đạo chuyển đổi diện tích lúa vụ hè thu thiếu nước sang trồng cây đậu xanh đạt năng suất 1,8 tấn/ha. Việc chuyển đổi này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí trong khâu làm đất cho vụ lúa đông xuân hằng năm. Từ hướng đi đúng, hợp lòng dân đã tạo nên phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, người dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau để xây dựng nông thôn mới.

Qua thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, trồng rừng, vườn - ao - chuồng, chăn nuôi... Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình đã thoát nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng khá. Điều quan trọng là việc chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch phát triển từng vùng và theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ gia đình trồng kết hợp cây cao su, hồ tiêu xen canh cây ngắn ngày như nghệ, sắn, ngô… có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha. Phát triển kinh tế gò đồi với nhiều mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng có hiệu quả cao được chú trọng nhân rộng theo hướng chuyển đổi, trồng mới các mô hình phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn xã như trồng cam Vinh, ổi lê Đài Loan, mít Thái, bơ ghép, dong riềng, cà gai leo, cây ba kích, cá chình lồng… Hình thành được 3 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả về nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm có liên kết đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Vì thế tất cả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình công cộng đã được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Từ nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua việc sử dụng ngân sách địa phương và tranh thủ nguồn lực từ các chương trình dự án để tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kĩ thuật, kiến thức về chăn nuôi, thú y, kinh nghiệm làm ăn... cho người dân. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo xã trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nhân dân từ các mô hình sắn, nghệ, dong riềng… Nhờ vậy góp phần nâng cao thu nhập và tạo động lực cho người dân hăng say sản xuất, mạnh dạn vận dụng phương thức sản xuất mới thay đổi cách thức làm ăn kém hiệu quả trước đây, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ sinh học để làm tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích canh tác.

Bằng cách làm, cách nghĩ đầy sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Gio Bình đã cho thấy có sự thay đổi cách thức vận hành trong tổ chức thực hiện. Đó là không suy nghĩ, quyết định và làm thay cho dân mà tạo điều kiện trao quyền nhiều hơn cho người dân chủ động bàn bạc, tự quyết định những nội dung, công việc cần làm gắn với lợi ích của cộng đồng và không trái với quy định của nhà nước. Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp xã Gio Bình có bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội nhưng trước hết là có sự nỗ lực, đồng thuận của đông đảo người dân trong ý thức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140078