Giờ ra chơi '2 không'
Không ai phủ nhận lợi ích mà thiết bị điện tử mang lại cho học sinh, nhất là trong việc hỗ trợ học tập, tuy nhiên việc làm chủ công nghệ để không bị 'nghiện' cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra trong xã hội hiện nay. Thời gian qua, trên diễn đàn mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc dùng điện thoại, máy tính trong học sinh. Mới đây, để giúp học sinh hạn chế thấp nhất việc sử dụng thiết bị điện tử trong học tập cũng như trong cuộc sống, các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình giờ ra chơi '2 không'.
“Vật bất ly thân”
Công nghệ phát triển mang đến cho con người nhiều tiện ích. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thiết bị cũng khiến con người bị lệ thuộc vào nó. Bên trong nhiều ngôi nhà hiện đại, trong gia đình, sự gắn kết của các thành viên ngày càng lỏng lẻo, thay vào đó là mỗi người tận hưởng thế giới riêng của mình thông qua chiếc điện thoại thông minh.
Chị Phạm Thị Hà ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết, chị có con đang học THPT ngày càng có biểu hiện lạm dụng điện thoại quá mức, khi mỗi ngày đi học về là ôm máy tính, điện thoại gần như hết thời gian, không giúp mẹ việc nhà, làm gì cũng tay cầm điện thoại. Nhắc nhở thì con nói việc học tập của con phải có điện thoại để trao đổi, học hỏi, tìm tài liệu… Nhưng thực tế, thời gian dành cho học tập ít, mà con tham gia mạng xã hội, xem phim, chơi game rất nhiều.
Không chỉ riêng chị Hà, rất nhiều cha mẹ gần như bất lực trong việc quản lý con sử dụng thiết bị điện tử, khi các con đăng nhập mọi lúc, mọi nơi. Thế giới ảo gây nghiện đến mức những phút ra chơi ít ỏi giữa các tiết học cũng được các bạn học sinh dành hết cho điện thoại, máy tính. Các thiết bị này gần như là vật bất ly thân của giới trẻ, học sinh, có em gần như rất nghiện điện thoại và máy tính.
Không phủ nhận thiết bị điện tử hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập, chia sẻ, kết nối và tìm kiếm thông tin trong cuộc sống, tuy nhiên, lạm dụng quá mức sẽ trở thành sự tự kỷ ngay trong một tập thể lớp học nhộn nhịp, đông vui. Hơn nữa, nếu quá phụ thuộc vào thiết bị thông minh thì ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe như cận thị, vẹo xương sống, gù lưng, hoa mắt, rối loạn tinh thần…
Nhận thấy điều đó nên tại Trường THPT Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Ban Giám hiệu, các thầy, cô chủ nhiệm, Đoàn thanh niên trường đã phát động mô hình “2 không” (không điện thoại, không laptop) vào giờ ra chơi để hạn chế các tác hại do nghiện thiết bị thông minh gây ra. Mô hình được áp dụng từ đầu năm học 2024-2025, khi trường chuyển lên địa điểm mới, có sân trường và không gian rộng phù hợp cho các trò chơi vận động của học sinh.
Đánh giá hiệu quả bước đầu của mô hình, cô Phạm Thị Hảo, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Riềng nhận định: Mô hình đã được các em đón nhận, hứng thú và ngày càng nhiều học sinh tham gia. Trong trường học giờ ra chơi không còn cảnh nhiều học sinh chăm chú vào điện thoại hay máy tính và không quan tâm đến thế giới xung quanh.
Xây dựng văn hóa sử dụng thiết bị thông minh
Thay vào hình ảnh mỗi học sinh ngồi mỗi góc và sử dụng điện thoại, máy tính, hiện nay trên sân trường, giờ ra chơi ở Trường THPT Phú Riềng đã được thay thế bằng hình ảnh học sinh tập thể dục giữa giờ, tham gia các trò chơi dân gian… Trong lớp, một số học sinh có thể cùng nhau ôn bài, làm bài tập, trao đổi, chia sẻ và kết nối trực tiếp với nhau bằng ngôn ngữ và hành động chứ không phải qua thế giới ảo của mạng xã hội. Các bạn khác có thể ăn uống tại căn tin nếu có nhu cầu, đọc sách ở thư viện của trường, ghé phòng y tế nếu có vấn đề về sức khỏe.
Từ thực tế mô hình “2 không” ở Trường THPT Phú Riềng cho thấy, việc không sử dụng điện thoại sẽ giúp học sinh hòa đồng, tương tác với nhau trong thế giới thực, cùng tham gia giải quyết một vấn đề của lớp, hay tham gia trò chơi, cùng nhau làm bài, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối với nhau bằng lời nói, hành động trực tiếp chứ không phải ảo qua mạng xã hội và phụ thuộc vào các thiết bị thông minh. Ngoài ra, việc không bị phụ thuộc vào điện thoại, máy tính còn đem lại lợi ích về sức khỏe, nhất là khi các em tham gia trò chơi vận động trong giờ ra chơi.
Em Hoàng Thị Thanh Trúc, Phó Bí thư Chi đoàn lớp 11A1, Trường THPT Phú Riềng cho biết: Từ khi Đoàn trường thực hiện mô hình “2 không”, thay vì sử dụng điện thoại, em và các bạn đã tham gia những trò chơi vận động như đá cầu, tập thể dục, đọc sách hoặc trao đổi bài vở với nhau. Em thấy các hoạt động này không chỉ giúp chúng em “cai” dần điện thoại, máy tính mà còn giúp học sinh tăng giao tiếp, việc học tập cũng hiệu quả hơn.
Để tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động, trường bố trí các không gian, cơ sở vật chất, trang thiết bị khác đáp ứng nhu cầu của học sinh khi không sử dụng công nghệ. Đoàn thanh niên phối hợp với tổ thể dục hướng dẫn các lớp tập thể dục giữa giờ để nâng cao sức khỏe, huy động được 100% học sinh tham gia. Trong giờ ra chơi, đoàn thanh niên cũng đã hướng dẫn các trò chơi dân gian và cho một số lớp làm mẫu để các lớp khác làm theo.
Những kết quả ban đầu đủ để Trường THPT Phú Riềng tự tin phát triển sâu rộng hơn nữa nhiều hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để có thể huy động 100% học sinh tham gia và nói không với việc sử dụng điện thoại, máy tính trong giờ ra chơi.
Khi các trường áp dụng mô hình “2 không” nên rà soát cơ sở vật chất và không gian trường học để triển khai phù hợp và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để lựa chọn các hoạt động theo nhu cầu. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa thì dần dần sẽ được các em chào đón, tham gia nhiệt tình”.
Cô PHẠM THỊ HẢO, Phó Bí thư Ðoàn Trường THPT Phú Riềng
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/164843/gio-ra-choi-2-khong