Hình ảnh khác lạ ở những ngôi trường nói không với điện thoại
Từ khi thực hiện quy định 'học sinh nói không với điện thoại trong buổi học', nhiều trường học ở Nghệ An không còn cảnh học sinh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi. Việc này nhằm giúp các em tập trung học tập, kết nối nhiều hơn với thầy cô, bạn bè.
Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, học sinh Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) ùa ra sân trường. Thay vì cắm cúi vào điện thoại để lướt mạng xã hội, nhắn tin hay chơi game online, học sinh giờ đây cầm trên tay những quả bóng chuyền, vợt cầu lông, hay những hộp thức ăn đã chuẩn bị từ trước.
Em Nguyễn Hà Phương, học sinh lớp 11, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ, trước đây sau mỗi tiết học, các học sinh dùng giờ ra chơi để lướt điện thoại và nhắn tin với bạn bè. Dù cùng lớp, Phương nhắn tin "tám chuyện" chứ không trò chuyện trực tiếp.
Kể từ khi nhà trường áp dụng quy định cấm sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, Hà Phương cảm thấy có nhiều thời gian rảnh hơn. "Em dùng giờ ra chơi để ăn sáng cùng bạn bè. Trước đây, em thường bỏ bữa, học cả buổi mà không ăn sáng. Giờ không sử dụng điện thoại em thấy tinh thần thoải mái, vừa ăn vừa trò chuyện với bạn bè vui vẻ", Hà Phương cho biết.
Em Nguyễn Trung Hải, học sinh lớp 10 cho biết, ban đầu cảm thấy hụt hẫng vì nghĩ rằng học THPT sẽ cho phép sử dụng điện thoại thoải mái hơn so với ở THCS. Tuy nhiên, sau vài tuần, Hải quen dần với văn hóa của trường và nhận ra mình tập trung học hơn.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, các giáo viên chủ nhiệm phân công cán bộ lớp nhắc nhở học sinh giao nộp điện thoại vào hộp hoặc tủ trước tiết học đầu tiên, theo quy định của trường. Cuối buổi học, tổ trưởng sẽ có trách nhiệm phát lại điện thoại cho các bạn trong lớp.
"Nhà trường có đường dây nóng trực 24/24 để phụ huynh có thể liên hệ khi cần thiết. Trong những tình huống khẩn cấp liên quan đến học sinh, giáo viên cũng sẽ liên lạc với phụ huynh. Chúng tôi khuyến khích học sinh không sử dụng điện thoại để thay đổi thói quen, từ đó tham gia vào các hoạt động thực hành, khám phá thực tế và trải nghiệm ngoài trời," ông Đậu Hoàng Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết.
Hết giờ ra chơi, em Phạm Thùy Dung, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương) cho biết, ngay đầu buổi học, mọi người nộp điện thoại cho lớp trưởng để cất vào tủ đựng chung. Trước đây, giờ ra chơi, Dung và nhóm bạn thường dùng điện thoại để lướt mạng xã hội hoặc chơi game online.
"Từ khi thầy cô tổ chức các trò chơi dân gian, nhảy bao bố, em cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn sau những giờ học căng thẳng. Đây cũng là một cách để em rèn luyện sức khỏe", Dung hào hứng kể.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cho biết, gần như toàn bộ học sinh trong trường đều có điện thoại thông minh. Mặc dù điện thoại có lợi ích trong một số môn học để tra cứu và tham khảo tài liệu, nhưng việc sử dụng trong trường khiến học sinh phân tâm và làm giảm sự tương tác trực tiếp. Nhà trường cho phép học sinh mang điện thoại vào trường nhưng không được phép sử dụng trong khuôn viên trường học, ngay cả giờ ra chơi. Tùy vào môn học, khi giáo viên cho phép, học sinh mới được dùng điện thoại để phục vụ cho việc học.
"Giờ ra chơi, nhìn sân trường và hành lang kín học sinh, khác hẳn với trước đây chỉ ngồi trong lớp và bấm điện thoại. Từ tuần này, nhà trường chính thức phát động chương trình mới, các lớp bắt đầu làm quen và chuẩn bị mọi thứ", ông Nguyễn Văn Thuần nói.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, nhiều lớp đã thực hiện thành công mô hình này trong suốt những năm qua. Ban giám hiệu nhà trường tổ chức một cuộc họp với các giáo viên chủ nhiệm, bí thư, lớp trưởng để lắng nghe ý kiến và giải quyết những khó khăn. Nhìn chung, các lớp đều gặp thuận lợi và học sinh cũng rất ủng hộ, vì vậy chắc chắn chương trình sẽ thành công. Trường triển khai các mô hình và sân chơi với những trò chơi tuổi thơ, nhằm khôi phục lại sự tương tác giữa các em học sinh.
Để duy trì hoạt động này thường xuyên, ông Thuần cho biết, trường tổ chức các cuộc thi đấu, trò chơi hàng tuần nhằm tìm ra nhà vô địch cho từng môn ở mỗi khối lớp. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá hạnh kiểm và khuyến khích điểm thi đua cho học sinh.
Không chỉ năm học này mà từ các năm học trước, nhiều trường học ở Nghệ An triển khai thông tư 2020 của Bộ GD& ĐT với nội dung: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1, những năm qua, các trò chơi dân gian trong giờ ra chơi đã trở thành hoạt động thường niên của học sinh. Năm nay, với tinh thần nói không với điện thoại, những hoạt động này lại tiếp tục được triển khai với các cặp thi đấu giữa các lớp. Hoạt động không chỉ thu hút các đội chơi mà còn tạo sự phấn khởi cho các đội cổ động viên.
Những trò chơi hấp dẫn đã giúp các thành viên trong lớp gắn bó hơn. Sau những giờ ra chơi bổ ích, các em trở lại với những bài giảng ý nghĩa, giúp việc tiếp thu kiến thức trở nên hiệu quả hơn.
Thầy cô giáo làm gương cho học sinh
Sở GD&ĐT Nghệ An vừa phát động phong trào "Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học". Theo đó, học sinh được khuyến khích sử dụng điện thoại đúng lúc, đúng chỗ và một cách khoa học, nhằm vận dụng hiệu quả môi trường số. Mục tiêu chính của cuộc vận động là học sinh phổ thông không sử dụng điện thoại trong các buổi học chính khóa, học thêm và cả giờ ra chơi.
Để triển khai thành công phong trào này trong các trường, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, sự quyết tâm của học sinh là rất quan trọng, nhằm vượt qua cám dỗ và biết cách sử dụng điện thoại một cách hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, các thầy cô giáo cũng cần thể hiện tính tiên phong và gương mẫu trong việc sử dụng điện thoại tại trường học, để làm gương cho học sinh.