Giới chuyên gia đồng tình tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón lên 5%
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến vào Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó có quy định về thuế suất đối với mặt hàng phân bón. Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc sửa Luật, đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Giảm chi phí, giá thành, người dân sẽ được lợi
Nêu quan điểm về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón, theo PGS.TS. Lý Phương Duyên - giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, vấn đề chuyển từ việc không chịu thuế sang có chịu thuế đối với mặt hàng phân bón sẽ phù hợp với định hướng mở rộng cơ sở thuế mà hiện nay Chính phủ đang đặt ra.
Hiện nay chúng ta có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và những mặt hàng này cũng đang dần được cân nhắc xem mặt hàng nào phù hợp với việc đánh thuế để bổ sung vào nhóm hàng hóa đánh thuế.
Chính phủ mong muốn giảm giá bán, hỗ trợ bà con nông dân
"Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân”- ông Phan Đức Hiếu nói.
Đánh thuế có tác động tích cực đến việc chống xói mòn cơ sở thuế, phù hợp với xu thế chung. Bên cạnh đó, việc đánh thuế sẽ làm cho số thu thuế của chúng ta ổn định hơn và có sự công bằng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT, xét trên nhiều góc độ. Đó là thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
“Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân”- ông Phan Đức Hiếu nói. Do đó, ông Hiếu nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế.
Thuế suất bao nhiêu là phù hợp?
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, cần thiết đưa phân bón quay trở lại diện chịu thuế GTGT với 2 lý do.
Thứ nhất, đó là phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, là mở giao diện chịu thuế GTGT, thu hẹp danh mục 26 mặt hàng không chịu thuế GTGT xuống còn ít hơn.
Tiếp đó, việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT sẽ giải quyết hài hòa được “mối quan hệ ba nhà” (doanh nghiệp, nhà nước, nhà nông). “Câu chuyện này vẫn đứng trên tổng thể lợi ích nền kinh tế, chứ không xét riêng ngành nào”- ông Nguyễn Văn Phụng thẳng thắn nói.
Nếu không đưa phân bón vào diện chịu thuế thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp do không được hoàn thuế.
Mức thuế bao nhiêu là phù hợp cũng được giới chuyên gia quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, cần áp dụng phương án áp thuế 5% với mặt hàng phân bón. Nếu áp thuế 5%, thì sẽ thu được vốn từ phân bón nhập khẩu, điều tiết và giải quyết bài toán trong nước và nước ngoài.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau một thời gian thực hiện Luật Thuế GTGT đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, đáng chú ý là phạm vi các đối tượng không chịu thuế tương đối rộng, dẫn đến nhiều trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng mà các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là trường hợp điển hình.
Thời gian qua, doanh nghiệp phân bón sản xuất trong nước phản ánh, do phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế GTGT ở nước xuất xứ.
Vì vậy, sửa đổi Luật Thuế GTGT lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế 5%.
Theo Chính phủ, chính sách này sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp./.
Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Luật Thuế GTGT (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là thuế suất GTGT với ngành hàng phân bón.
Một số đại biểu cho rằng, cần đánh giá kỹ đối với việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5%. Một số đại biểu nhất trí đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế nhưng với thuế suất 0% chứ không phải là 5% như Chính phủ đề xuất. Một số đại biểu khác lại cho rằng áp thuế 5% là phù hợp.
Theo chương trình dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế GTGT(sửa đổi) tại kỳ họp cuối năm nay.