Giới chuyên gia lên tiếng về sự cần thiết phải sửa Điều 15 Dự thảo Luật thuế GTGT
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được gấp rút hoàn thiện, tiến tới Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, vẫn có điều khoản quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Giới chuyên gia đã đồng loạt lên tiếng, đề nghị cần phải sửa đổi Khoản 3, Điều 15 Dự thảo Luật.
Hai loại thuế trở lên sẽ không được hoàn?
Dự thảo Luật quy định tại Khoản 3, Điều 15 về các trường hợp hoàn thuế như sau: “Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế GTGT”.
Với quy định này, những doanh nghiệp chỉ có một loại thuế suất thuế GTGT là 5% mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại có sự đối xử không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có sản phẩm A có thuế suất thuế GTGT 5%, sản phẩm B có thuế suất GTGT 10%, doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu ra 200 tỷ đồng, thuế GTGT đầu vào 300 tỷ đồng, số thuế GTGT được hoàn là 100 tỷ đồng.
Theo dự thảo Luật, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế trong trường hợp có 2 loại thuế suất GTGT đầu ra. Điều này dẫn đến số thuế GTGT này không được hoàn mà chuyển sang dạng khấu trừ, doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí hợp lý hợp lệ vì đây là khoản phải thu mà chưa rõ khi nào thu được, khoản 100 tỷ đồng hàng năm này sẽ tăng dần qua các năm, gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Hệ quả dẫn đến giá thành và giá bán sản phẩm không giảm được như kỳ vọng, mà còn có sự không bình đẳng khi có thể có những doanh nghiệp khác chỉ có 1 loại thuế suất 5%, được hoàn thuế.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Không công bằng đối với các doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, sửa luật thuế GTGT cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Ông Được lấy ví dụ, doanh nghiệp A là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp A sẽ không được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp B chỉ sản xuất phân bón, không kinh doanh ngành nghề khác thì lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Do đó, thuật ngữ “chỉ” sẽ làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Phân tích thêm về điều này, chuyên gia Nguyễn Văn Được cho biết, người nộp thuế phải hạch toán riêng hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5% được hoàn thuế. Trường hợp không hạch toán riêng được số thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5% thì được hoàn thuế GTGT theo tỷ lệ doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5% trên tổng doanh thu trong kỳ nhưng tối đa không quá 5% trên tổng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%.
Quy định về cách tính số thuế hoàn thuế và khống chế mức thuế được hoàn nêu trên tương tự đối với trường hợp người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu và hoạt động kinh doanh nội địa đã được áp dụng ổn định nhiều năm qua.
Do đó, ông Được đề nghị bỏ từ “chỉ” để cho phép hoàn thuế đối với đối tượng sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5% cho đúng bản chất nhưng phải “bù trừ với các hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế khác”, đồng thời phải thực hiện “phân bổ” số thuế GTGT theo tỷ lệ chịu thuế 5% so với tổng hàng hóa dịch vụ của người nộp thuế.
Như vậy, “nếu bỏ từ “chỉ” thì tất cả các doanh nghiệp có một hay nhiều loại thuế suất thuế GTGT trở lên đều được đối xử bình đẳng. Điều này giúp cho doanh nghiệp có điều kiện và động lực để liên tục đầu tư phát triển, đổi mới, đa dạng sản phẩm; giành thêm nguồn lực đem lại lợi ích cho nền kinh tế”, chuyên gia Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: thêm cụm từ “trong đó có"
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên điều hành Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, dự thảo Luật liệt kê hoàn thuế trong các trường hợp cụ thể nhưng Điều 15, Khoản 3 quy định trường hợp doanh nghiệp chỉ sản xuất kinh doanh mặt hàng chịu thuế GTGT 5%. Lấy ví dụ trong ngành phân bón, một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón từ nguyên liệu 100% nhập khẩu và chỉ có sản phẩm đầu ra là phân bón, thì mới được hoàn thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế hiếm khi có doanh nghiệp phân bón chỉ chuyên nhập khẩu nguyên liệu với thuế suất 5% mà có thể thay đổi linh hoạt như chuyển từ nhập khẩu sang mua nguyên liệu trong nước hoặc kết hợp cả hai giữa nhập khẩu và mua trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể sản xuất kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên việc có nhiều loại thuế suất GTGT là hoàn toàn có thể xảy ra, khi đó, doanh nghiệp lại không được hoàn thuế.
“Lo ngại của doanh nghiệp là hoàn toàn có lý. Do đó, để phù hợp thực tế kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp phân bón nói riêng, nên bổ sung cụm từ “trong đó có” vào quy định trường hợp này là: “Cơ sở sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó có hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 5%...”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập đề xuất.
Chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Phụng: Cần bỏ từ “chỉ"
Là một chuyên gia về Thuế, ông Phụng cũng cho rằng trên thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, sửa luật thuế GTGT cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Đơn cử doanh nghiệp A là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp A sẽ không được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp B chỉ sản xuất phân bón, không kinh doanh ngành nghề khác thì lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Do đó, thuật ngữ “chỉ” sẽ làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%...
Bởi vậy, ông Phụng đề xuất bỏ từ “chỉ" trong cụm “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”.
“Như vậy mới thỏa mãn yêu cầu của chính sách và tính chất liên hoàn của thuế GTGT. Tới đây tôi cũng sẽ có văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này" - bằng tâm huyết của người "cả đời" làm Thuế, ông Phụng nhấn mạnh.