Giới trẻ sáng tạo nội dung: Các vấn đề gây xôn xao cộng đồng mạng năm qua

Các vấn đề gây tranh cãi 'nảy lửa' trong năm qua đa số đều đến từ hoạt động sáng tạo nội dung số của giới trẻ. Việc tranh cãi trên môi trường mạng phần nào giúp mỗi người mở rộng quan điểm, góc nhìn của mình về một vấn đề, nhận thức đúng đắn hơn về hành vi, thái độ sống của giới trẻ hiện đại.

Thông điệp "gây hại" từ MV "There's no one at all" của Sơn Tùng

MV ca nhạc ra mắt cuối tháng 4/2022 của Sơn Tùng M-TP đã tạo ra cuộc tranh cãi "nảy lửa" trên cõi mạng với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau của giới trẻ. Sau khi nhận cơn bão chỉ trích, MV đã ngừng phát hành nhưng phản ứng của dân mạng vẫn chưa ngừng lại.

Cụ thể, MV "There's no one at all" được Sơn Tùng nói về tâm trạng của một chàng trai bị bỏ rơi, không người thân, thường bị bạn bè miệt thị, đánh đập. Phần lời của bài hát chủ yếu là các câu đơn chỉ hành động, với cụm "There's no one at all" được lặp đi lặp lại. Cuối MV, hình ảnh nhân vật nhảy từ lầu cao xuống đã khiến nhiều người ám ảnh và "rùng mình".

Sau khi nhận "cơn bão" chỉ trích vì hình ảnh tiêu cực, dễ gây tác động xấu đến người trẻ, hiện tại, MV "There's no one at all" không còn hiển thị trên YouTube Việt Nam, thay vào đó là dòng thông báo: "Video không có sẵn. Người tải lên không cung cấp video này tại quốc gia của bạn".

"Âm nhạc dù là nhạc buồn cũng là để con người được trải lòng và chữa lành tâm hồn, để hướng tới những điều mới tốt đẹp hơn. Chứ không phải là cứa sâu thêm vào nỗi đau và khiến người nghe tiêu cực hơn. Đó là thứ âm nhạc độc hại", bạn Nguyễn Văn Mạnh từng bình luận về MV ca nhạc của Sơn Tùng.

"Âm nhạc dù là nhạc buồn cũng là để con người được trải lòng và chữa lành tâm hồn, để hướng tới những điều mới tốt đẹp hơn. Chứ không phải là cứa sâu thêm vào nỗi đau và khiến người nghe tiêu cực hơn. Đó là thứ âm nhạc độc hại", bạn Nguyễn Văn Mạnh từng bình luận về MV ca nhạc của Sơn Tùng.

Chỉ trích việc sống ảo "vô tội vạ"

Ngày 16/5/2022, dân mạng đồng loạt lên tiếng sau khi xem được bức ảnh của một nam thanh niên nằm lên rạn san hô, bắt sao biển để chụp ảnh. Trước đó, sự việc tương tự cũng xảy ra với một nghệ sĩ nổi tiếng bắt sao biển lên bờ sống ảo gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường biển.

Cụ thể, bài đăng trên fanpage Bảo tàng Hải Dương học kèm thông điệp có ghi: "Sinh vật biển nói chung, rạn san hô cũng như sao biển nói riêng đều chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những hành động như du khách này ở Phú Yên.

Các bạn thân mến, tham quan du lịch là nhu cầu thiết yếu của từng cá nhân. Tuy nhiên những hành động ảnh hưởng đến môi trường, thiên nhiên như thế này cần phải lên án mạnh mẽ".

Ngay dưới bài đăng, nhiều bạn trẻ đã bình luận góp ý với nam thanh niên này về hành vi chụp ảnh sống ảo và đưa ra cảnh báo chung với du khách về việc giữ gìn hệ sinh thái môi trường, đi du lịch theo cách văn minh hơn.

 Nam thanh niên nằm lên rạn san hô chụp ảnh bị cộng đồng mạng "réo tên" chỉ trích.

Nam thanh niên nằm lên rạn san hô chụp ảnh bị cộng đồng mạng "réo tên" chỉ trích.

TikToker làm trò lố "sống ảo" ở sân bay

Vụ việc các TikToker vì câu view nên đã có những hành vi phản cảm tại các không gian công cộng như sân bay, băng chuyền hành lý trên sân bay đã khiến cho cộng đồng mạng bức xúc. 3 trường hợp đáng chú ý gần đây đó là 2 nữ hành khách tạo dáng, nhảy múa trên sân bay để quay video và một cô gái vô tư ngồi tạo dáng trên băng chuyền hành lý tại sân bay với dòng trạng thái "Bất kệ đời".

Mục đích của những cô gái này đơn giản chỉ để quay video đăng lên TikTok khoe "mình có vị trí, backgroud đẹp" hay "mình là người tạo ra trend" nhưng lại không lường trước được những hậu quả và sự lên án của cộng đồng ngay sau đó.

 Nữ hành khách này đã bị Cục Hàng không ban hành quyết định cấm bay trong 6 tháng (từ ngày 17/8) vì có hành vi vi phạm khu vực hạn chế trong sân bay.

Nữ hành khách này đã bị Cục Hàng không ban hành quyết định cấm bay trong 6 tháng (từ ngày 17/8) vì có hành vi vi phạm khu vực hạn chế trong sân bay.

"Làm việc tử tế" nhưng lại ứng xử thiếu văn hóa

TikToker Nờ Ô Nô là nhân vật từng vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng bởi chiêu trò "câu view bẩn", dùng lời lẽ miệt thị, cách ứng xử thiếu văn hóa với người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, trong loạt video với chủ đề “Một ngày tử tế”, "Người nghèo thích ăn gì mình cho ăn đó", nam TikToker này có hành động tiếp cận những người nghèo và hỏi họ thích ăn món gì sẽ mua tặng. Đi kèm với đó, TikToker này đã có những phát ngôn gây sốc phản cảm như: “Đã nghèo còn bày đặt ăn cơm sườn", “Không hiểu vì sao người ta nghèo mà nghèo hoài”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”...

Thái độ cư xử thiếu văn hóa này đã biến hoạt động từ thiện vốn rất nhân văn thành "chiêu trò" câu view, tăng lượt tương tác. Đây là một nội dung xấu độc điển hình mới xuất hiện gần đây trên TikTok và khiến người xem "dị ứng" nhưng lại trở nên viral một phần từ thuật toán "gây nghiện" của TikTok với người dùng.

 Nam TikToker Nờ Ô Nô.

Nam TikToker Nờ Ô Nô.

Quán cà phê không tiếp trẻ em dưới 12 tuổi

Sau 3 ngày đưa ra thông báo về việc ngừng nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi, một quán cà phê tại Đà Nẵng nhận "cơn bão" góp ý khác nhau từ cộng đồng mạng. Cụ thể, nội dung thông báo của quán D.H.Coffee (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) như sau:

"Vì quán không có không gian riêng dành cho trẻ em vui chơi. Vì quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn và trò chuyện. Vì quán không có kĩ năng dỗ dành trẻ, giữ trẻ giúp các ba mẹ. Nên kể từ hôm nay quán xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi. Xin cảm ơn!"

Bài đăng ngay lập tức nhận ý kiến trái chiều nhưng cũng được sự ủng hộ của các bạn trẻ bởi hiện nay, các quán cà phê vừa là nơi để giao lưu, trò chuyện, chia sẻ, vừa là không gian để bạn trẻ thay đổi môi trường làm việc đã quá quen thuộc ở văn phòng.

 Bài đăng thông báo của quán cà phê ở Đà Nẵng.

Bài đăng thông báo của quán cà phê ở Đà Nẵng.

Quan điểm về lương của TikToker Long Chun

Vốn được biết đến với vai trò là TikToker khá nổi với hơn 5 triệu người theo dõi, tạo ra những video hài hước, vì vậy, phát ngôn về vấn đề lương của Long Chun đã thu hút sự chú ý và bàn luận của netizen trên mạng xã hội.

Nói về chủ đề lương trong một chương trình dành cho Gen Z, Long Chun đưa ra quan điểm: "Ngày xưa em thầm mong một tháng kiếm được 10 triệu. Còn giờ lương được 10 triệu thì em khóc thét, không thể sống được". Ngay sau đó, nhiều bạn trẻ thẳng thắn bày tỏ, mở rộng quan điểm và bàn luận sôi nổi về câu nói của nam TikToker này.

Đa số các bình luận bày tỏ sự đồng tình bởi nhu cầu cuộc sống của mỗi người ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, một số bạn trẻ cũng gợi ý cách chi tiêu hợp lý, bí quyết quản lý tài chính sao cho hiệu quả và cân bằng với mức tiền mình kiếm được để không gặp phải quá nhiều áp lực về lương. Nổi bật nhất, đó là cách sống tối giản, từ nhu cầu giải trí đến làm đẹp...

 Chân dung nam TikToker Long Chun.

Chân dung nam TikToker Long Chun.

Năm qua, bạn trẻ "chuyển mình" cùng xu hướng nghề nghiệp mới, thiên về các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung số, tiếp thị liên kết đa nền tảng, quản trị thương hiệu cá nhân... Do tính chất cạnh tranh cao cũng dẫn đến việc xây dựng hình ảnh của một số cá nhân có phần lệch lạc, đi ngược lại với chuẩn mực xã hội, tạo nên những vấn đề gây tranh cãi không đáng có.

Bên cạnh việc tự nâng cao chuẩn mực trước mỗi lời nói, phát ngôn, hành vi đưa lên mạng xã hội của mỗi cá nhân, người dùng mạng xã hội nói chung cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lại thái độ, nhận thức của TikToker, Reviewer "lệch chuẩn" bằng những dòng bình luận góp ý thẳng thắn.

Tuy nhiên, việc bình luận góp ý khác với tẩy chay, cô lập. Mỗi cư dân mạng hãy là một người sử dụng mạng xã hội thông thái và tránh để bình luận góp ý của mình biến thành "con dao hai lưỡi", ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của chủ thể sự việc.

Diệu Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gioi-tre-sang-tao-noi-dung-cac-van-de-gay-xon-xao-cong-dong-mang-nam-qua-post1503426.tpo