Giới trẻ Trung Quốc chuộng trang sức mang dấu ấn văn hóa truyền thống

Chow Tai Fook, chuỗi bán lẻ trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, ghi nhận doanh thu tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh của Chow Tai Fook bùng nổ nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các khách hàng trẻ thuộc thế hệ Z (những người sinh năm từ 1996 đến 2000) và thế hệ thiên niên kỷ (millennium – sinh từ 1981 đến 1996) đối với các mẫu trang sức có kiểu thiết kế mang dấu ấn văn hóa truyền thống, chẳng hạn như hình rồng và phượng hoàng, biểu tượng cho quyền lực của hoàng đế và hoàng hậu trong thời kỳ phong kiến.

Thị trường vàng nữ trang Trung Quốc tê liệt

Đôi hoa tai có thiết kế hình phượng hoàng của Chow Tai Fook. Ảnh: Chinahao

“Thế hệ Z là một trong những nhóm khách hàng có khả năng chi trả và sẵn sàng chi tiêu lớn”, Giám đốc điều hành Chan Sai-cheong của Chow Tai Fook cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. Ông nói thêm: “Nhiều người trong số họ không phải là trụ cột của gia đình, vì vậy, họ có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn so với cha mẹ của họ”.

Chan cho biết, thế hệ trẻ yêu nước và sẵn sàng chi tiêu cho các thương hiệu trong nước hơn các thương hiệu nước ngoài vốn có uy tín hơn trước đây. “Guochao”, (tạm dịch: “xu hướng thời trang tôn vinh truyền thống”) đã dẫn đến cơn bùng nổ nhu cầu đối với các thương hiệu xa xỉ Trung Quốc.

“Giới trẻ yêu thích các sản phẩm có yếu tố truyền thống với kiểu dáng thiết kế tuyệt vời của chúng tôi,” Chan Sai-cheong giải thích.

Nhóm khách hàng thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ đóng góp đến 56% tổng doanh thu đến từ “bộ sưu tập di sản” của Chow Tai Fook trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2021.

Được thành lập vào năm 1929, Chow Tai Fook ban đầu chỉ có một cửa hàng kim hoàn ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc nhưng hiện nay, được mệnh danh là “Tiffany của phương Đông”. Tiffany hãng trang sức cao cấp có 184 năm tuổi đời ở Mỹ và đang sở hữu hơn 300 cửa hàng trên khắp thế giới.

Hoạt động kinh doanh của Chow Tai Fook, công ty có cổ phiếu niêm yết ở Hong Kong, phất lên trong thời kỳ dịch bệnh với tổng doanh thu bán lẻ tăng 79% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2021, lên mức 44 tỉ đô la Hồng Kông (5,7 tỉ đô la Mỹ). Trong giai đoạn đó, doanh thu từ Trung Quốc đại lục tăng 82% lên 38 tỉ đô la Hong Kong.

Cổ phiếu của Chow Tai Fook đã tăng gần 150% kể từ tháng 1-2019, lên mức 13,30 đô la Hồng Kông vào hôm 19-1.

Chan Sai-cheong cho biết mức tăng trưởng ấn tượng này một phần là nhờ hưởng lợi từ chính sách “một con” của Trung Quốc, được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 để kìm hãm đà tăng của dân số. Chính sách này tạo ra một thế hệ Z lớn lên trong các hộ gia đình trung lưu có mức thu nhập khả dụng lớn. Theo hãng tư vấn toàn cầu McKinsey, thế hệ Z chiếm khoảng 15% dân số Trung Quốc, tương đương khoảng 200 triệu người.

Với hơn 5.000 cửa hàng tại hơn 660 thành phố ở Trung Quốc đại lục, Chow Tai Fook vẫn đang lên kế hoạch mở rộng nhanh chóng ngay cả khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động mạnh mẽ cuộc chiến chống tham nhũng và thúc đẩy cải cách công bằng xã hội qua cuộc vận động “thịnh vượng chung”.

Công ty này có kế hoạch mở hơn 2.000 cửa hàng mới trên toàn quốc vào năm 2025 và nhiều cửa hàng trong số đó sẽ nằm ở các thành phố cấp 3 hoặc cấp 4, nơi có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.

Chow Tai Fook đang tập trung vào các mặt hàng trang sức bằng vàng “sang trọng có giá cả phải chăng” hoặc đơn giản hơn, chẳng hạn như mặt dây chuyền, vòng tay và nhẫn, với hầu hết có giá trung bình không quá 10.000 nhân dân tệ (1.570 đô la Mỹ).

Theo báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company hồi tháng 11, thị trường hàng xa xỉ cá nhân của Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô trong giai đoạn 2019-2021, lên mức 69 tỉ đô la Mỹ, tương đương 21% tổng thị trường xa xỉ toàn cầu.

Trong khi đó, các thị trường xa xỉ ở châu Âu, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á chỉ mới “phục hồi một phần” vào năm ngoái và vẫn chưa đạt đến mức trước Covid-19.

Xianchi Dai, phó giáo sư chuyên ngành tiếp thị tại Đại học Trung văn Hương Cảng, tin rằng nhu cầu trang sức cao cấp ở Trung Quốc đại lục sẽ ngày càng tăng mạnh. Ông dự báo cuộc vận động “thịnh vượng chung” sẽ thúc đẩy doanh số trang sức cao cấp tăng cao hơn nữa khi tầng lớp trung lưu tăng lên và thế hệ Z chuộng mua sắm trực tuyến.

“Thế hệ Z thích các loại trang sức khác nhau. Sự yêu thích của họ đối với thiết kế mang yếu tố văn hóa Trung Quốc cũng có thể tăng lên trong thời điểm các căng thẳng quốc tế leo thang. Họ đã lớn lên trong thời đại kỹ thuật số và do đó, họ dễ dàng đón nhận xu hướng mua sắm trực tuyến”, ông nói.

Lukfook Jewellery, một trong những đối thủ của Chow Tai Fook, cũng có kế hoạch mở tới 350 cửa hàng mới trong năm nay với nhiều cửa hàng nằm ở các thành phố cấp thấp hơn, đồng thời mở rộng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận thế hệ trẻ.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh nỗ lực bán các sản phẩm trang sức sang trọng, giá cả phải chăng, nhắm đến phân khúc khách hàng trẻ. Thị trường Trung Quốc đại lục sẽ là động lực tăng trưởng chính của chúng tôi”, Nancy Wong, Phó giám đốc điều hành Lukfook Jewellery, nói.

Cả hai nhà bán lẻ trang sức này tập trung vào thị trường Trung Quốc đại lục khi doanh số bán hàng của họ tại Hong Kong vẫn suy yếu. Doanh số của họ tại Hồng Kông đang cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do thiếu vắng du khách từ Trung Quốc đại lục, nhóm khách hàng lớn nhất của họ. Họ đang hy vọng giới chức trách sẽ mở lại biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục để giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh số ở Hồng Kông.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-tre-trung-quoc-chuong-trang-suc-mang-dau-an-van-hoa-truyen-thong/