Giồng Riềng sáp nhập hợp tác xã, củng cố kinh tế tập thể

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nông nghiệp của địa phương phát triển, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chọn giải pháp sáp nhập các hợp tác xã cùng chung lợi thế.

Tháng 7-2022, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến, ấp Bờ Xáng, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tổ chức hội nghị nhiệm kỳ 2022-2025 nhằm tổ chức lại hoạt động trên cơ sở sáp nhập thêm hợp tác xã khác trên địa bàn.

Sau khi sáp nhập, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến có 134 thành viên, với 198ha đất sản xuất. Ngành, nghề sản xuất gồm bơm tát, cung ứng nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho thành viên. Những ngày đầu mới sáp nhập, ban giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến tập trung hoàn chỉnh điều lệ, củng cố tổ chức và rà soát lại phương án hoạt động kinh doanh.

“Sau khi sáp nhập, quy mô sản xuất tăng lên, đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp, vốn điều lệ của hợp tác xã cũng tăng từ 142,5 triệu đồng lên 270,5 triệu đồng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến Lê Hoàng Thống cho biết.

Vụ lúa đông xuân 2022-2023, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến đã ký được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Tâm Lang tiêu thụ lúa với giá sàn từ 6.200-7.200 đồng/kg, nếu giá thị trường tăng, doanh nghiệp mua tăng theo nên thành viên ai nấy đều phấn khởi.

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa thu đông 2022.

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) thu hoạch lúa thu đông 2022.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp liên kết, huyện Giồng Riềng còn hướng tới sáp nhập, xây dựng hợp tác xã nhằm mang lại cơ hội mới cho hợp tác xã phát triển.

Theo đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng, nhìn chung hợp tác xã ở huyện có diện tích sản xuất nhỏ, vốn điều lệ ít, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư chương trình, dự án của huyện.

Ngoài ra, phần lớn hợp tác xã chỉ thực hiện khâu bơm tát, chưa tổ chức dịch vụ khác nên doanh thu thấp, từ đó chưa thể trả lương cho thành viên hội đồng quản trị, ban quản lý hợp tác xã. Từ thực trạng này, năm 2022, huyện chỉ đạo sáp nhập 17 hợp tác xã nhỏ thành 8 hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, giải thể 10 hợp tác xã không hoạt động ở 8 xã, thị trấn.

Hiện toàn huyện Giồng Riềng có 97 hợp tác xã, tổng vốn điều lệ gần 11 tỷ đồng, với 9.412 thành viên, tạo việc làm cho 1.210 lao động. Việc sáp nhập được xem là hướng đi mới cho các hợp tác xã chuyển mình. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc sáp nhập các hợp tác xã chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Đồng chí Nguyễn Thái Đông nói: “Đây là vấn đề khó tránh khỏi, bởi sau khi sáp nhập những yếu kém của các hợp tác xã vẫn tồn tại, vì thế hợp tác xã cần có quá trình khắc phục khuyết điểm. Mặc dù vậy nếu hợp tác xã xem việc sáp nhập là cơ hội để thay đổi, phấn đấu vượt qua khó khăn sẽ là bước đệm giúp hợp tác xã phát triển...”.

Thời gian tới, UBND huyện Giồng Riềng tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 131/KH-UBND của huyện về củng cố, xây dựng kinh tế tập thể theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025. Huyện chọn 5 hợp tác xã làm điểm chỉ đạo phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ, 14 hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợp xây dựng mã số vùng trồng cho hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất ổn định.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/giong-rieng-sap-nhap-hop-tac-xa-cung-co-kinh-te-tap-the-12065.html