Giữ an toàn bếp ăn trường học

Toàn tỉnh hiện có 301 trường học tổ chức ăn bán trú với hàng trăm nghìn suất ăn được cung cấp cho học sinh mỗi ngày. Để bảo vệ sức khỏe của các em, cùng với kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát.

Còn nhiều bất cập

Sáng 8/10, đoàn kiểm tra liên ngành TP Bắc Giang kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn bán trú tại một số cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Tại Cơ sở mầm non độc lập Vườn Hồng ở đường Nguyễn Thị Lưu 2, phường Ngô Quyền, đoàn kiểm tra xác định việc lưu mẫu thức ăn tại đây chưa đúng quy định, tem niêm phong không dán đúng vị trí; tấm nhựa che chắn côn trùng, chuột tại khu vực chế biến bị vỡ; thùng đựng rác không có nắp đậy.

 Cán bộ Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng kiểm tra bếp ăn tại Trường Mầm non Lão Hộ.

Cán bộ Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng kiểm tra bếp ăn tại Trường Mầm non Lão Hộ.

Tương tự, tại Cơ sở mầm non độc lập Quang Anh, cùng ở phường Ngô Quyền, khu vực nấu ăn không lắp đặt lưới chắn côn trùng, nhân viên nấu ăn chưa có chứng chỉ tập huấn về ATTP theo quy định. Theo chủ cơ sở này, do trước thềm năm học mới, nhân viên nhà bếp xin nghỉ đột xuất nên cơ sở buộc phải thuê nhân viên nấu ăn mới. Thời điểm này, do trên địa bàn không có lớp bồi dưỡng, tập huấn nên việc cử nhân viên học, cấp chứng nhận ATTP chưa thực hiện được.

“Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ lắp đặt lưới chắn côn trùng theo quy định. Chúng tôi mong muốn cơ quan chuyên môn của TP, UBND phường sớm tổ chức lớp tập huấn để nhân viên nấu ăn được đi học theo quy định”, chị Trịnh Thị Thuyên, chủ Cơ sở mầm non độc lập Quang Anh nói.

Theo Phòng ATTP (Sở Y tế), qua công tác kiểm tra, đa số các trường học có tổ chức ăn bán trú đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, một số bếp ăn tập thể trường học vẫn còn tình trạng như: Diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm sắp xếp lộn xộn, không có lưới chắn côn trùng…

Tại nhiều trường, do lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày ít nên việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm đầu vào với các doanh nghiệp, hợp tác xã khó khăn, chủ yếu liên kết với hộ gia đình. Ví như để chế biến bữa ăn cho 230 học sinh, mỗi ngày Trường Mầm non Lão Hộ (Yên Dũng) cần 18-20 kg rau xanh, trong đó nhà trường chủ động khoảng 30%, còn lại phải mua bên ngoài.

Trước đây, nhà trường có ký hợp đồng với Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng ở xã Tiến Dũng (cùng huyện) song do lượng tiêu thụ ít, quãng đường di chuyển xa, 2 năm trước, hợp tác xã dừng cung cấp rau xanh cho nhà trường. Cô giáo Trần Thị Yên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lão Hộ chia sẻ: “Trên địa bàn xã không có hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh rau an toàn nên từ khi chấm dứt hợp đồng với Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, chúng tôi buộc phải mua lẻ của các hộ dân”.

Giám sát từng khâu

Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm của người đứng đầu nhà trường, có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan thì nơi đó, công tác bảo đảm ATTP bếp ăn bán trú được triển khai nghiêm túc, bài bản, hạn chế những rủi ro và nguy cơ mất an toàn. Ghi nhận tại Trường Mầm non Họa Mi Bích Động (thị xã Việt Yên) cho thấy, để chuẩn bị hơn 530 suất ăn hằng ngày cho học sinh tại hai cơ sở, nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với tổ chức, cá nhân có uy tín, đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát nguồn thực phẩm ngay từ đầu vào, bảo đảm chất lượng, an toàn, đủ số lượng và công khai để phụ huynh giám sát.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 762 trường học với hơn 500 nghìn học sinh, trong đó có 301 trường tổ chức ăn bán trú, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non (252 trường), tiểu học (40 trường)...

Khu vực bếp ăn của nhà trường được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt như: Khu để nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. 100% nhân viên nhà bếp được cấp chứng nhận ATTP, trong đó có 4/6 người đã học qua lớp dạy nấu ăn. “Để học sinh có bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng, nhà trường xây dựng thực đơn theo tuần, theo mùa, bảo đảm cân đối dinh dưỡng. Toàn bộ các khâu, từ giao nhận thực phẩm đến chế biến, bảo quản, lưu mẫu đều có sự giám sát của đại diện phụ huynh học sinh”, cô giáo Trần Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi Bích Động cho biết.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 762 trường học với hơn 500 nghìn học sinh, trong đó có 301 trường tổ chức ăn bán trú, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non (252 trường), tiểu học (40 trường)... Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP trong các cơ sở giáo dục, yêu cầu các nhà trường chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng phục vụ bảo quản, chế biến. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của bếp ăn tập thể tại các trường học.

Tại huyện Yên Dũng, UBND huyện giao Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ phụ trách, tiến hành kiểm tra đột xuất tất cả các khâu trong quy trình tại 21 trường học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn. Để nâng cao hiểu biết cho nhân viên nấu ăn, Phòng Y tế huyện đang xây dựng kế hoạch mời chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, dự kiến tổ chức đầu năm 2025.

Tại TP Bắc Giang, ngày 30/9/2024, UBND TP ban hành quyết định kiểm tra lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân và ATTP đối với 252 cơ sở, trong đó 22 bếp ăn tập thể tại trường học. Tại các địa phương khác, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP tại các bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn trường học nói riêng cũng được tăng cường.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Mặc dù những năm gần đây, tại các trường học trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm song nguy cơ vẫn luôn hiện hữu. Do đó, cùng với yêu cầu hiệu trưởng các trường cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn bữa ăn cho học sinh, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Y tế kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm các quy định hoặc để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Sở sẽ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân hiệu trưởng và người đứng đầu ngành GD&ĐT các huyện, thị xã, TP”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giu-an-toan-bep-an-truong-hoc-103915.bbg