Giữ an toàn thực phẩm trong mùa hè nắng nóng
Từ đầu tháng 5, học sinh TPHCM đi học trở lại sau 4 tháng nghỉ dài vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, mưa gió, cây ngã, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong nhà trường được phụ huynh đặc biệt quan tâm, bởi thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu. Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là rất lớn, buộc nhà trường quản lý chặt chẽ hơn.
Quy trình thực hiện khắt khe
Là phụ huynh có con học lớp lá tại Trường Mầm non Vườn Hồng (quận 2), chị Nguyễn Thị Bích Thủy (ngụ phường An Phú) cho biết con chị đi học trở lại được hơn một tháng, khoảng thời gian đó, nhóm chat của phụ huynh trong lớp nóng nhất là vấn đề phòng dịch và vệ sinh ATTP. Thời gian con ở trường nhiều hơn ở nhà, số bữa ăn ở trường là 2 - 3 bữa/ngày (trong khi ở nhà chỉ có một bữa tối) nên chị rất quan tâm đến việc con mình ăn ở trường có đảm bảo sạch sẽ, an toàn và đủ dinh dưỡng hay không.
Trường Mầm non Vườn Hồng có gần 500 học sinh theo học, tương ứng với 100% học sinh ăn bán trú. Nhà trường vừa vận hành các công đoạn phòng chống dịch vừa thực hiện nghiêm các khâu trong công tác bán trú. Do chuẩn bị cả bữa ăn sáng nên nhân viên nhà bếp phải có mặt từ sáng sớm, khi nhận nguồn thực phẩm phải kiểm tra kỹ càng về tem kiểm dịch, trọng lượng, màu sắc, mùi vị, có giấy giao nhận rõ ràng của đơn vị cung cấp thực phẩm.
Các đơn vị được lựa chọn đều nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do thành phố công bố. Mẫu thức ăn được lưu lại theo quy định, từng loại riêng. Việc bảo đảm vệ sinh ATTP và dinh dưỡng của trẻ luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Hàng ngày, các nhân viên cấp dưỡng liên tục khử khuẩn, vệ sinh dụng cụ, các bề mặt trong khu vực chế biến và nơi học sinh dùng bữa trưa, bữa xế, đồng thời tuân thủ các quy định trong quá trình chế biến thức ăn như đeo khẩu trang, đeo bao tay, trùm kín đầu tóc…
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), nơi đang có 1.600 học sinh theo học, thực đơn của học sinh được nhà trường lựa chọn dựa vào phần mềm bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Công ty Ajinomoto cung cấp với sự tư vấn của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định tất cả những đơn vị mà trường chọn để cung cấp đều nằm trong danh sách chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mà Ban Quản lý ATTP TPHCM công khai trên trang web.
Tương tự, bà Trần Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Trị 2 (quận Bình Tân), cũng chia sẻ, để phụ huynh hoàn toàn yên tâm, nhiều năm qua nhà trường đã mời đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát hoạt động của bếp ăn tập thể. “Sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chúng tôi càng ý thức hơn trong việc chuẩn bị kỹ càng bữa ăn cho học sinh, nhất là các quy định về ATTP và vệ sinh phòng bệnh”, bà Xuân cho biết.
Rút ngắn thời gian chế biến
TPHCM hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục, trong đó, 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn. Trong quá trình tổ chức bán trú cho học sinh, các trường phải tuân thủ quy tắc một chiều gồm: Khu vực kho - khu tiếp nhận nguyên liệu - khu sơ chế, chế biến thực phẩm chín - khu ăn uống. Đặc biệt, các bếp ăn bán trú phải lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Như vậy, các trường bắt buộc phải mua nguyên liệu ở nơi có hóa đơn chứng từ, tức là từ các công ty cung cấp thực phẩm có tư cách pháp nhân, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, cho rằng hiện nay đa số trường học trên địa bàn thành phố thực hiện khá tốt việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, nhất là các trường tự tổ chức bếp ăn tập thể. Từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi trường học hoạt động trở lại, Ban Quản lý ATTP TPHCM thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Mùa hè đã tới, nhưng năm học 2019-2020 kéo dài hơn thường lệ, thời tiết nóng nực của mùa hè dễ làm thực phẩm bị hư hỏng, ôi thiu. Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM khuyến cáo, các trường cần làm tốt công tác bảo quản thực phẩm, rút ngắn khoảng cách giữa thời gian chế biến và thời gian học sinh sử dụng thực phẩm; rút ngắn thời gian vận chuyển thực phẩm. Ở khối mầm non và tiểu học, thực phẩm ăn xế cho học sinh được các trường lựa chọn thường là bánh, sữa, chè…
Đây là những loại thực phẩm dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Việc bảo quản, kiểm tra chất lượng các loại thực phẩm này càng phải được thực hiện nghiêm ngặt như: quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm…
Quan trọng hơn là khâu chế biến thức ăn phải đảm bảo an toàn, để không chỉ phòng tránh ngộ độc cấp tính, mà còn phải phòng ngừa cả nguy cơ các chất độc sản sinh ra trong quá trình chế biến, có thể tích tụ lâu năm trong cơ thể trẻ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giu-an-toan-thuc-pham-trong-mua-he-nang-nong-667248.html