'Giữ chân' dân quân, bộ đội xuất ngũ ở lại địa phương

Hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho lực lượng dân quân và dự bị động viên (DBĐV) tại địa phương là cách làm hay ở tỉnh Đồng Tháp thời gian qua.

Các địa phương trong tỉnh đã có nhiều mô hình giúp cho hai lực lượng này vừa có thể phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống vừa tích cực tham gia huấn luyện, góp phần cho công tác xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh và sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn không lấy lãi

Năm 2022, anh Nguyễn Văn Linh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không lãi suất từ Ban CHQS huyện Hồng Ngự. Anh tận dụng diện tích mặt nước ao có sẵn thả nuôi hơn 300.000 con cá tra giống. Theo anh Linh, thời gian nuôi bình quân từ 3 đến 4 tháng là có thể xuất bán. Với giá thị trường như hiện nay, trừ các khoản chi phí, anh còn lãi hơn 30 triệu đồng. Anh Linh chia sẻ: “Nguồn vốn vay tôi đầu tư mua con giống, còn thức ăn và thuốc trị bệnh cho cá đến khi thu hoạch mới thanh toán cho các cửa hàng vật tư nông nghiệp nên cũng không phải đầu tư gì thêm. Mỗi năm, tôi xuất 3 lứa cá giống, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Linh tận dụng mặt nước có sẵn nuôi cá tra giống, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Linh tận dụng mặt nước có sẵn nuôi cá tra giống, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Còn anh Ngô Tuấn Khôi, ngụ tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã dùng số tiền từ sổ tiết kiệm được địa phương trao tặng trước lúc lên đường nhập ngũ để học nghề và mở tiệm hớt tóc. Công việc này làm tại nhà nên anh có thể chăm sóc cho mẹ đang bệnh; thu nhập mỗi tháng của anh từ 7 đến 8 triệu đồng. Theo anh, cuộc sống ở quê như vậy cũng cơ bản ổn định và là điều kiện tốt để anh tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương.

Theo Thượng tá Hồ Văn Giàu, Chính trị viên Ban CHQS huyện Hồng Ngự, mô hình hỗ trợ vốn xoay vòng không tính lãi được đơn vị thực hiện từ năm 2012. Ban đầu, nguồn vốn được huy động từ sự đóng góp của lực lượng dân quân và DBĐV khi tham gia huấn luyện, xét cho anh em có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi trong vòng hai năm. Năm 2020, Ban CHQS huyện xuất kinh phí từ tăng gia sản xuất để góp thêm vào nguồn vốn trên 225 triệu đồng. Đến nay đã có 40 lượt đồng chí trong lực lượng dân quân và DBĐV vay từ 20 đến 30 triệu đồng, tổng số tiền xoay vòng đến thời điểm này là hơn 1 tỷ đồng.

“Còn mô hình tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên trước khi nhập ngũ được Đảng ủy, Ban CHQS huyện tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay có 819 thanh niên được tặng sổ tiết kiệm (từ 5 đến 10 triệu đồng) với tổng số tiền 5,7 tỷ đồng. Cả hai mô hình này đã giúp lực lượng dân quân và DBĐV có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”, Thượng tá Hồ Văn Giàu cho biết thêm.

Tạo sinh kế ổn định

Nếu như trước đây, phần lớn anh em dân quân và DBĐV thường đi làm ăn xa nên việc tập trung huấn luyện hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất gặp nhiều khó khăn thì nay, với việc làm và mức thu nhập ổn định đã giúp giữ chân hai lực lượng này tại địa phương. Đơn cử có thể kể đến mô hình tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp của xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Gần 40 thành viên trong tổ đều là bộ đội xuất ngũ và lực lượng dân quân của xã. Sau khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây kiểng, tổ sẽ nhận hợp đồng sửa kiểng tại địa phương với việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân hằng tháng trên 8 triệu đồng/người.

Anh Nguyễn Thế Ngoan, quân nhân dự bị xã Hòa Thành tâm sự: “Đi làm công nhân vừa phải xa nhà, lại mất chi phí sinh hoạt cao, còn với công việc sửa kiểng ổn định tại địa phương, anh em có thể vừa đi làm vừa chăm sóc cho gia đình. Đây là điều mà ai cũng mong muốn”. Còn anh Cao Thanh Tùng, một dân quân khác cũng ở xã Hòa Thành cho biết: “Ngoài công việc tại tổ dịch vụ của xã, tôi còn tranh thủ chăm sóc vườn kiểng của gia đình, thu nhập hằng tháng cũng khá mà công việc không mấy vất vả”.

Từ hiệu quả mô hình mang lại, đầu năm 2023, Huyện ủy Lai Vung chỉ đạo Đảng ủy, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng Đảng ủy, UBND 12 xã, thị trấn khảo sát nắm chắc từng hoàn cảnh của anh em trong lực lượng dân quân, DBĐV tại địa phương và tiến hành thành lập tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện Lai Vung đã có 12 tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, mỗi tổ có từ 35 đến 40 thành viên. Các tổ dịch vụ với đa dạng ngành nghề như sửa hoa kiểng, chất và thu hoạch nấm rơm, phun xịt thuốc cho lúa và cây ăn trái, làm vườn, thu hoạch, vận chuyển hàng hóa và nông sản...

Với nhu cầu công việc hiện nay, tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các xã, thị trấn của huyện Lai Vung không chỉ nhận việc làm thường xuyên tại địa phương mà còn nhận ở các huyện lân cận. Công việc ổn định góp phần tăng thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đến nay, các xã, thị trấn của huyện Lai Vung đã cơ bản khắc phục được tình trạng anh em trong lực lượng dân quân và DBĐV đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng dẫn đến bị xóa tên, khai trừ ra khỏi Đảng.

Là người đưa ra chủ trương thành lập tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, đồng chí Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung tâm đắc: “Mô hình này không chỉ tạo việc làm cho anh em dân quân và DBĐV mà còn giải quyết được nhu cầu lao động tại địa phương. Mặt khác, hằng năm, khi có lệnh gọi tập trung huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ đột xuất địa phương đều bảo đảm chỉ tiêu quân số”.

Bài và ảnh: THẾ HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/giu-chan-dan-quan-bo-doi-xuat-ngu-o-lai-dia-phuong-800950