Giữ gìn 'báu vật' văn hóa Mường: Đặc sắc văn hóa Mường xứ Thanh
Văn hóa và Đời sống - Người Mường và người Việt vốn có chung một nguồn gốc từ người Việt cổ, họ là chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Người Mường xứ Thanh có hai bộ phận Mường Trong - bản địa và Mường Ngoài - từ Hòa Bình vào. Người Mường ở Thanh Hóa hiện có khoảng 365 nghìn người, chiếm 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Họ sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy và một số xã bán sơn địa thuộc các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn.
Hát múa quanh cây bông - Nét đẹp truyền thống của người Mường. Ảnh: Lê Công Bình
Trong quá trình sinh tồn và phát triển, tộc người Mường đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc và phong phú. Do địa bàn cư trú ở vùng đồi núi, ven dòng sông Mã và các chi lưu, thung lũng có nhiều ruộng nước gò đồi, núi thấp, người Mường đã sớm quen việc dùng trâu làm lúa nước, làm guồng, máng nước, đưa nước từ khe suối lên đồng cao, ruộng thấp để làm ra hạt lúa, bắp ngô.
Để tránh thú dữ và thuận lợi cho việc ăn ở trong môi trường và khí hậu ẩm của vùng nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều, người Mường đã biết cách làm nhà theo kiểu nhà gác, khung gỗ, lát sàn. Kiểu nhà đơn giản nhưng vững chãi và tiện lợi không chỉ cho việc ăn ở mà còn đảm bảo vệ sinh, gắn với cảnh vật dòng sông, cánh đồng, đồi núi đất thoai thoải, mái lợp lá hòa với thiên nhiên trong không gian mang đậm tính thực vật vùng Đông Nam Á. Định hình nên sắc thái cư trú của người Mường với ngôi nhà sàn “trước cau, sau mít”, “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới; trâu gõ mõ, chó trèo thang”...
Trong sản xuất, người Mường đã chế tạo ra những công cụ rất phù hợp cho việc trồng cấy lúa nước cũng như làm nương rẫy. Ngay từ thời tối cổ, họ đã biết chế tác ra những rìu đá, cuốc đá, bàn nghiền để khai thác tự nhiên, phát hiện ra đồ đồng, đồ sắt, chế tác ra các công cụ mũi cày hình cánh bướm; chiếc rìu, con dao chặt cây, phát hoang cỏ dại để tỉa lúa, trồng ngô.
Người Mường có khiếu thẩm mỹ và đôi tay khéo léo. Từ những cây cỏ và khoáng sản ở trên rừng, ngoài ruộng, họ đã kết hợp thành nguyên liệu, dệt thêu nên những vuông vải, tấm thổ cẩm bền đẹp, nhiều màu sắc là trang phục trong cuộc sống thường ngày, trong các dịp lễ hội trang trọng. Đặc biệt, chiếc váy Mường có cạp váy trang trí theo hình quả trám hoặc hình cây, màu sắc hài hòa, gần gũi với nghệ thuật thời văn hóa Đông Sơn.
Người Mường là chủ nhân của những giá trị văn hóa phi vật thể giàu có và phong phú. Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” là áng mo truyền khẩu với độ dài hơn hai vạn câu đã phản ánh tư duy, nhận thức của người Mường về vũ trụ và con người, lý giải về các hiện tượng tự nhiên dù còn hồn nhiên, chân chất song đầy tính duy vật biện chứng, hướng con người tìm về mạch nguồn của cha ông, tôn vinh những người anh hùng sáng thế và cải thế. Giới nghiên cứu cho rằng: Những gì hiện hữu trong cuộc sống của người Mường đều được tập hợp và phản ánh sinh động trong “Đẻ đất, đẻ nước”.
Người Mường đã sáng tạo nên những pho thần thoại, truyền thuyết, truyện thơ, tục ngữ... phong phú và mang giá trị nhân văn cao cả. Truyền thuyết, truyện kể của người Mường phản ánh quá trình tạo mường, lập bản, đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại, là bản anh hùng ca, ca ngợi chiến công của những người anh hùng có tên và không tên. Những gốc cây, hòn đá, cái ná, mũi tên, con vật gần gũi, thân quen cũng góp sức cùng với con người đấu tranh với tự nhiên, những thế lực bạo tàn để khẳng định vị trí trung tâm của con người trước tự nhiên và xã hội.
Người Mường có tâm hồn rộng mở, giàu nghĩa nhân văn. Truyện thơ Mường là tiếng lòng thiết tha yêu cuộc sống, trọng lẽ phải, giàu tình nghĩa thương yêu, khát vọng vươn lên, đạp bằng những bất công ngang trái. Trong “rừng” truyện thơ ngát hương, có những “bông hoa” tiêu biểu: Nàng Nga - Hai Mối, Nàng ờm - Chàng Bồng Hương, Út Lót - Hồ Liêu, chuyện nàng Con Côi... Đó là những áng văn, áng tình từ ngàn đời nay ngân vang và rung động hàng vạn trái tim từ già tới trẻ. Những điệu hát ru, tục ngữ, đồng dao ca ngợi sự giàu có của bản Mường, nhân lên niềm tự hào của mỗi cá nhân và cả cộng đồng: Đất mường ta cơm trắng/ Nước mường ta nước trong/ Đất mường ta lắm moong, nhiều cá/ Một mẻ chài được trăm con cá/ Một phát ná được trăm con chim…
Tục ngữ, phương ngôn là những lời khuyên bảo chân tình, dạy lẽ sống ở đời: Của mình làm ra ấm no/ Của kẻ khác cho là của ăn nếm. Trong cuộc sống thương yêu nhau, giàu lòng vị tha: Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời còn có lúc thương nhau trở lại...
Dân ca Mường là điệu hồn của dân tộc. Đến bất cứ bản mường nào cũng đều bắt gặp lời hát xường, rang, bọ mẹng... ngân vang, ca ngợi cảnh đẹp của mường, lời ca trao duyên, trao tình thiết tha đằm thắm. Cả bản mường hò hát, tâm tình. Lời ca ấy còn truyền mãi, vang xa: Đất thì xường, Mường thì rang/ Kẻ chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng. Những lời xường ấy vẫn còn tươi nguyên giá trị đến muôn đời: Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám/ Không đem bán lấy lúa, lấy tiền/ Ai vừa tình, vừa duyên thì ta cùng hát. Người Mường còn có các thể loại hát khác như hát ru, hát đồng dao... và đặc biệt phải kể đến lễ ca, tiêu biểu là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc và hát trong đám tang.
Cùng với điệu hồn trong sáng, thủy chung, người Mường còn là chủ nhân của trống đồng, nghề chạm bạc và những nhạc cụ độc đáo như: cồng chiêng, đâm đuống... Những nhạc cụ ấy luôn gắn bó với họ từ lúc mới lọt lòng cho tới khi từ giã cõi đời về với Mường ma, gặp gỡ tổ tiên, gia tộc.
Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, người Mường có tục thờ đá, thờ cây, thờ tiên tổ. Về nghi lễ có lễ tục làm vía - kéo si, lễ hội xuống đồng, hội cầu mưa (tháng tư), hội rửa lá lúa (tháng tám), lễ cơm mới (tháng mười), lễ làm vía lúa, lễ cưới hỏi, tang ma... cùng với hội séc bùa, pồn pôông, hội tung còn, hội trống chiêng, phường roòng... hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo.
Người Mường xứ Thanh sớm xây dựng nên những quy ước trong quan hệ, ứng xử trong cộng đồng và với môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là những quy định bảo vệ con người, bảo vệ môi trường sống. Luật Mường quy định nếu đi vào rừng thấy cây to muốn đốn về làm gỗ dựng nhà, hoặc một bọng ong đầy mật ngọt..., nhưng đã có người làm dấu, thì dù cây gỗ quý đến đâu, bọng ong mật nhiều vô kể... thì người đến sau đều tôn trọng không chiếm hữu...
Người Mường không chỉ giỏi sản xuất mà còn tinh tế trong việc chế biến món ăn. Đồ ăn và đồ uống của họ đã được nâng lên thành văn hóa ẩm thực Mường. Từ những món ăn dân dã bằng thực vật và một số động vật săn bắt, nuôi trồng, qua chế biến thành: xôi đồ, cơm lam, canh đắng, canh môn, cá hấp, nướng, thịt luộc, rượu cần... là những món “khoái khẩu”, thực đơn không thể thiếu của du khách. Theo cách nói của giáo sư Từ Chi: Từ những món ăn Mường phả ra hương vị sơ sử.
Những giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người Mường bao đời nay được lưu giữ, phát huy trong cuộc sống, góp phần làm nên sắc thái dân tộc tỉnh Thanh và bản sắc dân tộc Việt Nam phong phú và đặc sắc. Xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở tỉnh Thanh Hóa cần phải kế thừa có chọn lọc vốn văn hóa truyền thống, trên cơ sở đó vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, tiếp tục làm giàu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới để làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mường và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày càng giàu có, văn minh.