Giữ gìn nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở TP.HCM
Xuất phát điểm là những diêm dân chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, những người dân đã cùng nhau xây dựng nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm phong vị địa phương và văn hóa đặc sắc, để du khách trong và ngoài nước biết đến một Thiềng Liềng an yên và giàu sức sống.
Giữ gìn, phát triển thương hiệu muối Thiềng Liềng
Trước đây, những diêm dân như anh Chín Thơ chỉ biết đến nghề làm muối, khi mùa mưa tới thì đi làm thuê, đi biển, nuôi tôm, nuôi hàu. Nhưng giờ đây, khi Thiềng Liềng chuyển mình với mô hình du lịch cộng đồng, anh Chín Thơ có thêm nghề “hướng dẫn viên” ngay tại ruộng muối của chính mình.
Tại đây, anh sẽ giải thích các quy trình để cho ra hạt muối từ đắp bờ, bơm nước biển, rải muối giống, cào muối, thu hoạch… Ngoài ra, gia đình anh Thơ còn có mấy căn homestay cho thuê giữa vườn trầu xanh mướt. “Dù thu nhập từ du lịch chưa nhiều nhưng được giới thiệu cho khách thập phương biết về nghề truyền thống của ông cha mình cũng thấy vui và tự hào lắm”, anh Thơ nói thêm.
Thiềng Liềng vốn nổi tiếng với nghề làm muối. Độ mặn của nước biển, ánh nắng gắt, quanh năm lộng gió đã tạo nên "thương hiệu" muối Thiềng Liềng nức tiếng. Làm muối "ăn" theo tiết trời, thuận thì làm 6 tháng nắng, nghỉ 6 tháng mưa. Dù vất vả nhưng điệp khúc được mùa - mất giá cộng với thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu khiến những giọt mồ hôi đổ xuống ruộng muối thêm mặn chát.
Từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, bà con ấp đảo ai cũng phấn khởi vì có thêm việc làm, thêm thu nhập ngoài nghề làm muối lâu nay. Nhưng muốn làm du lịch cộng đồng hiệu quả, cần phải giữ gìn bản sắc riêng, trong đó có duy trì làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Yến, trưởng ấp Thiềng Liềng, làm muối cực nhọc nhưng thu nhập thấp vì vậy lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề muối. “Đa phần thanh niên lên thành phố kiếm việc làm rồi ở lại trên đó nên nhân lực kế cận để duy trì nghề muối truyền thống cũng đang là một vấn đề nan giải”, anh Yến bày tỏ.
Là người đứng đầu HTX Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Thương mại Thiềng Liềng, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết luôn trăn trở để nâng cao giá trị của hạt muối Thiềng Liềng, giúp cho cuộc sống của bà con diêm dân phát triển, ổn định hơn. Sau thời gian mày mò, thử nghiệm, chị đã sản xuất ra các sản phẩm muối ớt, muối tôm, muối tiêu và muối thảo dược. Đây là các sản phẩm đặc trưng từ tài nguyên bản địa đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
“Nếu giá trị của hạt muối ngày càng được nâng lên cao, đời sống của người dân ngày càng khá lên cùng với thu nhập tăng thêm từ du lịch cộng đồng thì chắc chắn sẽ không có tình trạng bỏ ấp đi nơi khác để mưu sinh”, chị Tuyết bày tỏ hy vọng.
Điều đáng mừng là, hạt muối Cần Giờ và nhiều sản phẩm được sáng tạo, chế biến từ hạt muối như muối thảo dược làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đã được nhiều người biết đến, giá trị hạt muối nâng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhiều du khách đến ấp Thiềng Liềng đã mua với số lượng lớn các túi muối thảo dược về để sử dụng hoặc làm món quà biếu, tặng đầy ý nghĩa.
Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống
Bên cạnh nghề làm muối, các giá trị văn hóa cộng đồng nơi đây như đờn ca tài tử, tín ngưỡng thờ Bà Ngũ Hành cũng được bảo tồn và phát huy. Không gian tín ngưỡng Miễu Bà Ngũ Hành là một điểm đến trong hành trình khám phá Thiềng Liềng. Ngôi miếu linh thiêng duy nhất của người dân xứ đảo được hình thành trong quá trình di dân đến đây. Hằng năm, tại đây có Lễ vía Bà Ngũ Hành vào ngày 19/2 âm lịch, là dịp để người dân và du khách cầu mong sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu.
Trên đảo còn có lễ cúng kỳ yên (lễ cầu an của dân đi biển) vào tháng giêng âm lịch để khởi sự đi biển hàng năm. Đây chính là cái "rốn" quý đọng lại của dòng chảy văn hóa miền Tây Nam bộ từ thuở những người đi khai hoang mở đất.
Có một điều lý thú là trên hành trình khám phá đảo, du khách khi đi đến bất kỳ điểm du lịch nào trên đảo, hễ yêu cầu cũng sẽ được chủ nhà đờn hoặc ca vọng cổ để tặng khách như một món quà tinh thần đặc sắc.
Ông Nguyễn Hồng Huỳnh, nghệ nhân dân gian đầu tiên của huyện Cần Giờ, thuộc lớp người đầu tiên đặt chân đến khai phá đảo Thiềng Liềng, là chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Ông cho biết, từ khi ấp đảo phát triển du lịch, lời ca tiếng đàn không chỉ là niềm vui của cư dân trên đảo, mà còn là trải nghiệm mang đậm nét đặc trưng văn hóa để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Câu lạc bộ đờn ca tài tử của ấp từng đại diện cho xã, huyện đi thi ở nhiều cuộc thi lớn, giờ đây có thêm nhiều suất diễn để giao lưu, phục vụ du khách ngay tại nhà.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường tại địa phương. Nhiều nông dân ở Cần Giờ tự tin làm "thuyết minh viên", kể câu chuyện lịch sử hình thành ấp đảo Thiềng Liềng. Bà con cũng hướng dẫn du khách thưởng thức nhiều những sản vật thể hiện nét văn hóa của người dân trên đảo, tăng sự hấp dẫn cho điểm đến.
Phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng thực sự không chỉ giúp cho người dân có thêm sinh kế bên cạnh các sinh kế chính của cư dân, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch bền vững, góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng.