Giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc

Nghỉ hè là khoảng thời gian mà phần lớn học sinh mong chờ nhất. Bởi đây là lúc các em được nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái vui chơi cùng gia đình, bạn bè… Tuy nhiên, đối với học sinh Khmer ở huyện biên giới Lộc Ninh, đây là khoảng thời gian quý báu để các em lên chùa học chữ. Đó cũng là cách bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer mà thầy cô cũng như các sư ở chùa thực hiện từ nhiều năm qua.

Hè năm 2023 là lần thứ 13 lớp học chữ Khmer được tổ chức tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Tham gia lớp học này, các em được học cách viết, cách đọc, ngữ pháp tiếng Khmer. Ngoài ra, các em còn được thầy cô và các sư truyền đạt những phong tục, lễ nghĩa cũng như văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer.

Các em học sinh chào cờ mỗi buổi sáng trước khi vào học

Các em học sinh chào cờ mỗi buổi sáng trước khi vào học

Đại đức Lâm Chha Ni, Phó trụ trì chùa Sóc Lớn cho biết: Theo truyền thống của người Khmer, chùa như là ngôi nhà thứ hai của họ, bởi mọi sinh hoạt văn hóa, truyền thống đều tập trung về chùa. Mục đích mở lớp học nhằm tạo điều kiện cho các em thiếu nhi người Khmer biết tiếng mẹ đẻ của mình, qua đó hiểu rõ về cội nguồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các em nhỏ học chữ tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh - Ảnh: Ngọc Minh

Với đồng bào Khmer, chùa chính là nơi tu dưỡng, lưu giữ văn hóa và là nơi gắn kết cộng đồng với nhau. Vì vậy, bên cạnh rèn chữ, nhà chùa còn giáo dục đạo đức, lễ nghi và phong tục tập quán dân tộc mình cho các em. Qua đó, giúp các em ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn chữ viết và văn hóa dân tộc.

“Con học ở đây được 3 năm. Bây giờ, con đã biết viết, biết đọc, biết tụng kinh và biết thêm nhiều về truyền thống của dân tộc mình” - em Thị Hồng Nhung, học sinh chùa Sóc Lớn cho biết.

Các em học sinh học tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Các em học sinh học tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Giáo viên đứng lớp là các sư thầy và sinh viên tình nguyện là con em đồng bào Khmer từ nhỏ đã học chữ ở đây. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự yêu thương, mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các sư thầy và sinh viên đã tranh thủ thời gian nghỉ hè dạy chữ cho các em nhỏ.

Em Lâm Hào, cựu học sinh chùa Sóc Lớn cho biết: Trước đây, em đã tu học tại chùa Sóc Lớn. Ghi nhớ công ơn của sư trụ trì, bây giờ em phụ giúp nhà chùa dạy chữ Khmer cho các em nhỏ. Em mong sau này các em biết tiếng Khmer sẽ dạy lại cho những thế hệ sau nữa, từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ vậy tiếp nối, duy trì. Chúng ta cùng nhau gìn giữ, phát huy và bảo tồn chữ viết, văn hóa của dân tộc mình.

Ngoài học tập, các em còn được vui chơi giải trí

Ngoài học tập, các em còn được vui chơi giải trí

Thầy Huỳnh Vĩnh Phát, giáo viên tại chùa Sóc Lớn cho biết, tôi từ tỉnh Sóc Trăng lên đây làm việc đã 9 năm. Vì học sinh đông nên thiếu giáo viên. Tôi biết chữ Khmer nên đã cùng các sư dạy chữ cho các em.

Năm 2009, sư cả trụ trì từ tỉnh Bạc Liêu lên đây mở lớp học hè đầu tiên. Từ đó đến nay đã 15 năm, qua các lớp học, nhiều em đã biết viết, biết giao tiếp thành thạo ngôn ngữ Khmer. Sau khi thông thạo tiếng mẹ đẻ, các em lại phụ giúp dạy chữ cho thế hệ sau. Mỗi năm có nhiều giáo viên hơn, các em cũng vào chùa học nhiều hơn.

Đại đức LÂM CHHA NI, Phó trụ trì chùa Sóc Lớn

Các lớp dạy chữ Khmer dịp hè những năm qua đã góp phần nâng cao khả năng nói, viết và ngữ pháp của con em người Khmer nơi đây. Qua đó, góp phần chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer ở huyện biên giới Lộc Ninh nói riêng.

Sa Rây - Điểu Vĩnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/144570/giu-gin-tieng-noi-chu-viet-cua-dan-toc