'Giữ lửa' làng nghề

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề không thể thiếu bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, người thợ cần mẫn, tâm huyết đang ngày đêm trao truyền lại “nguồn vốn” quý cho thế hệ sau.

Phát triển nghề đan đó gắn với du lịch

Năm 2018, sau khi nhận thấy nghề đan đó, rọ truyền thống của quê hương có nguy cơ mai một, anh Phạm Văn Bạo, thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) đã mở rộng quy mô làm đó, chuyển hướng sản xuất từ đó phục vụ đánh bắt thủy sản sang đó trang trí. Anh Bạo cho biết: Ngày đầu mở rộng sản xuất, tôi đi tìm hiểu nhu cầu của thị trường để lựa chọn nguyên liệu, kiểu dáng; đi chào hàng ở một số quán cà phê, trà sữa, nhà hàng… Cứ thế, khách hàng nọ mách khách hàng kia, tôi dần có nhiều đơn hàng và được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố biết đến.

Anh Phạm Văn Bạo (bên trái), thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) giới thiệu sản phẩm làng nghề với khách hàng

Với mục đích dùng để trang trí, yêu cầu các mắt đan đó phải đều, miệng đó lớn hơn để lồng được bóng đèn vào trong. Đó được sản xuất với nhiều kiểu dáng như: Nửa đó, đó chụp đuôi bạch tuộc… Với việc đổi mới hướng sản xuất, trung bình, gia đình anh Bạo sản xuất khoảng 1,5 nghìn sản phẩm/tháng, giá bán từ 15 nghìn đồng trở lên/sản phẩm, tùy kích cỡ. Ngoài phát triển nghề truyền thống của quê hương, anh Bạo còn làm khung sẵn các mẫu đó để các hộ làm nghề trong thôn nhận về sản xuất theo số lượng, kỹ thuật yêu cầu, từ đó giúp các hộ dân có thêm thu nhập, gắn bó với nghề cha ông để lại. Anh Bạo chia sẻ thêm: Hiện nay, tôi đang sửa chữa lại ngôi nhà của gia đình theo phong cách nhà cổ với mái ngói rêu phong cổ kính, bố trí không gian chụp ảnh cho khách du lịch với sản phẩm đó, rọ của làng nghề. Tôi mong muốn làng nghề ngày một phát triển và trao truyền những giá trị văn hóa đến với du khách ở trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân giữ gìn tinh hoa nghề đúc đồng

Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, nghệ nhân Dương Văn Hồng, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) vẫn miệt mài với công việc ở xưởng đúc đồng. Ông Hồng chia sẻ: Trước những năm 90, gia đình tôi là một trong ba gia đình của thôn duy trì nghề đúc đồng. Trải qua hàng chục năm gắn bó với nghề truyền thống, có những lúc tưởng chừng như không thể bám trụ với nghề, đến nay, gia đình tôi đã phát triển nghề truyền thống của quê hương, duy trì xưởng sản xuất rộng trên 400m2, thường xuyên có 10 lao động làm việc. Hàng ngày, mặc dù đã có người quản lý và thợ làm ở xưởng nhưng nếu không ra trực tiếp tham gia công việc, chạm tay vào từng miếng đồng, tôi thấy như thiếu đi một điều gì đó trong cuộc sống.

Để duy trì và phát triển nghề đúc đồng, ông Hồng đã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc vào sản xuất để nâng cao độ tinh xảo, đa dạng sản phẩm làng nghề. Năm 2015, ông là một trong những người đầu tiên của làng nghề đưa máy ép khuôn vào sản xuất thay vì sử dụng khuôn đất như trước đây. Nhờ đó, sản phẩm làm ra có độ dày chuẩn, đều, tỷ lệ cân đối của các sản phẩm đạt trên 98%... Sản phẩm đẹp, được khách hàng đánh giá cao, dễ tiêu thụ, xưởng sản xuất của gia đình ông cũng thu hút đông đảo lao động tới làm việc và học nghề. Ông Hồng cho biết thêm: Mỗi năm, xưởng sản xuất của gia đình tôi truyền nghề cho khoảng 10 lao động. Điều khiến tôi vui nhất là sau khi học thành nghề, có khoảng 60% số học viên đã mở xưởng để phát triển nghề truyền thống của địa phương. Với sự quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của nghệ nhân Dương Văn Hồng và những người thợ tâm huyết với nghề, đến nay, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) có gần 200 hộ làm nghề, các lò đúc đồng luôn đỏ lửa, báo hiệu sự phát triển của làng nghề nơi đây.

Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, nghệ nhân Dương Văn Hồng, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) vẫn miệt mài với công việc ở xưởng đúc đồng. Ông Hồng chia sẻ: Trước những năm 90, gia đình tôi là một trong ba gia đình của thôn duy trì nghề đúc đồng. Trải qua hàng chục năm gắn bó với nghề truyền thống, có những lúc tưởng chừng như không thể bám trụ với nghề, đến nay, gia đình tôi đã phát triển nghề truyền thống của quê hương, duy trì xưởng sản xuất rộng trên 400m2, thường xuyên có 10 lao động làm việc. Hàng ngày, mặc dù đã có người quản lý và thợ làm ở xưởng nhưng nếu không ra trực tiếp tham gia công việc, chạm tay vào từng miếng đồng, tôi thấy như thiếu đi một điều gì đó trong cuộc sống.

Nghệ nhân Dương Văn Hồng, thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) và các sản phẩm đồ đồng tinh xảo của gia đình

Để duy trì và phát triển nghề đúc đồng, ông Hồng đã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc vào sản xuất để nâng cao độ tinh xảo, đa dạng sản phẩm làng nghề. Năm 2015, ông là một trong những người đầu tiên của làng nghề đưa máy ép khuôn vào sản xuất thay vì sử dụng khuôn đất như trước đây. Nhờ đó, sản phẩm làm ra có độ dày chuẩn, đều, tỷ lệ cân đối của các sản phẩm đạt trên 98%... Sản phẩm đẹp, được khách hàng đánh giá cao, dễ tiêu thụ, xưởng sản xuất của gia đình ông cũng thu hút đông đảo lao động tới làm việc và học nghề. Ông Hồng cho biết thêm: Mỗi năm, xưởng sản xuất của gia đình tôi truyền nghề cho khoảng 10 lao động. Điều khiến tôi vui nhất là sau khi học thành nghề, có khoảng 60% số học viên đã mở xưởng để phát triển nghề truyền thống của địa phương. Với sự quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của nghệ nhân Dương Văn Hồng và những người thợ tâm huyết với nghề, đến nay, Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) có gần 200 hộ làm nghề, các lò đúc đồng luôn đỏ lửa, báo hiệu sự phát triển của làng nghề nơi đây.

Khát vọng nâng tầm sản phẩm nghề mộc

Sinh ra và lớn lên ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) nên anh Vũ Văn Hoan ở thôn Vân Dương có niềm đam mê với nghề truyền thống từ nhỏ. Từ năm 12 tuổi, khi được tiếp xúc với chiếc đục, thanh gỗ, anh đã có thể ngồi hàng giờ đồng hồ tỉ mẩn chạm khắc con giống, cỏ, cây… Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, anh phải tạm gác niềm đam mê với nghề, tìm kiếm công việc ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Anh Hoan tâm sự: Làm ăn xa xứ, nhiều khi tôi rất áy náy với tiền nhân vì luôn đau đáu suy nghĩ, nếu ai cũng đi làm xa thì quê nhà ai còn giữ nghề xưa?. Nghĩ vậy, năm 2016, anh trở về quê và mở xưởng sản xuất mộc. Tuy nhiên, mục đích làm nghề ban đầu với anh chỉ vì mưu sinh. Nhưng không biết từ bao giờ mà anh trở nên yêu nghề, say nghề và từ đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và quyết tâm nâng tầm sản phẩm quê hương. Để làm ra được một sản phẩm đẹp, ngoài lựa chọn những loại gỗ tốt, phù hợp, thì người thợ làm nghề phải thật khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Ngoài ra, người thợ cũng cần linh hoạt, sáng tạo để có thể cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Anh Văn Hoan, thôn Vân Dương, xã Hòa Phong (Mỹ Hào) tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất

Với khát vọng nâng tầm sản phẩm đồ mộc mỹ nghệ, anh Hoan chú trọng chất lượng, kiểu dáng thay vì số lượng sản phẩm. Có những ý tưởng anh phải dành hơn nửa năm sáng tạo mới tạo ra được sản phẩm ưng ý. Bằng sự sáng tạo và niềm đam mê với nghề, anh đã có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi như: Tác phẩm mầm sống đạt giải Ba Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020; tác phẩm sản phẩm cây lúa đạt giải Nhất Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022...

Mùa xuân đang đến gần mang theo sức sống mới cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Bằng tình yêu, tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha để lại, tin tưởng rằng những nghệ nhân, người thợ ở các làng nghề sẽ làm tốt vai trò là người kế nghiệp, giữ “lửa” nghề, trao truyền những giá trị truyền thống của vùng đất nghìn năm văn hiến cho hôm nay và mai sau.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202301/giu-lua-lang-nghe-f3d0663/