Giữ mình và giữ cho nhau

Bia, rượu là vui. Không bia, không rượu không thành cuộc vui. Cái sự sum vầy vui vẻ là duyên cớ hình thành nên văn hóa rượu, bia trong mọi cộng đồng người thế gian.

Ở nước ta, ngàn đời ông cha đã vậy mà thời hiện đại này, niềm vui rượu, bia còn tăng lên bội phần bởi bối cảnh điều kiện xã hội an bình, đời sống khấm khá. Ngoài việc có thêm đủ các loại rượu, bia dân ta làm được thì cũng chẳng thiếu thứ rượu, bia nào đến từ khắp các chân trời thế giới. Kèm theo đó là thú vui rượu, bia bung ra, lan tràn với mọi kiểu thức kim cổ lẫn đông tây. Chỉ lời mời, lời chúc thôi sao ngon ngọt, thiệt lý, thiệt tình khiến mấy ai nỡ chối từ.

Hãy nghe: “Nghe tiếng anh lâu giờ mới gặp”, “một ly bác mừng cho anh em nay đã vợ con, nhà cửa đủ cả”, “đã đồng đội lại đồng hương, đồng tuế”, “lần đầu hội ta, lớp ta mới tụ hội được đông thế này”, “chén trước là chia vui với riêng bác, chén này là chúng em chúc cho các cụ nhà ta...”. Vui chứ, đậm đà chứ, toàn lời hay ý đẹp, toàn nụ cười, những câu chuyện, những tâm sự thân thiết, những góp ý trao đổi chân thành... Có lẽ đến 90% là những cuộc tiệc tùng cỗ bàn hay những bữa ăn tươi ngon và lành. Quý nhau, nể nhau và lịch sự, ta đáp lại, tiếp tục cuộc vui. Song lại có không ít cuộc mở đầu như thế, nhưng tiếp diễn không trọn, không lành như thế. Người viết bài này từng phải nhiều lần ứng xử như vậy để rồi lâm vào cảnh ngất ngây giữa triền miên, ồ ạt của những chén mời, lời chúc. “Thêm chút đi anh, nhằm nhò gì. Uống đi em đỡ”, “công việc còn ngày mai, tới số đi anh”, “đi bằng hai chân, làm bằng hai tay, uống phải hai chén”, “đang vui đừng để đứt dây đàn”, “người sành rượu như bác quá biết thứ rượu này chất đỉnh”; rồi tiếng ngọt như mía lùi: “Chúng em đàn bà con gái còn uống được, huống chi đàn ông các anh”... Có đến cả ngàn lẻ một lời mời nâng ly, cạn chén. Không chỉ vậy, ở những bàn bên là cả tốp người họ hàng, người quen và cả người lạ nối nhau, cầm ly kéo đến...

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Không còn là lời chúc mà thành "chuốc". Ấy là sau này tỉnh ra mới biết, chứ đang cuộc, đang nồng, đang bốc thì... cứ nồng, cứ bốc như trạng thái vô thức. Thật may, khi có những người “rượu vào lời ra” quá đáng làm ta khó chịu, bực bội mà tỉnh người ra để rồi từ chối, rút lui. Thật may sao, có những lần về được đến nhà. Thật may, có những lần có người đỡ, người dìu. Cũng thật may, có nhiều người thấy ta mệt rũ, lả đi mà tha... uống rượu!

“Rượu hồng đào uống lắm cũng say”, đó là thực tế cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Chẳng ai, dù khỏe đến đâu có thể trụ lại, tỉnh táo, minh mẫn khi uống quá chén, quá đà. Với người trong cuộc là vậy, còn người ngoài cuộc nhìn vào, mấy ai có thể ngoảnh mặt giấu đi sự khó chịu, bất bình trước một nhóm người cười cười, nói nói ồn ào, nhộn nhạo bất kể xung quanh. Ấy là chưa kể những vụ to tiếng rồi mắng chửi nhau, đánh nhau. Quả là đã có những người quen gặp cảnh này mà bao dung, thể tất cho qua, thậm chí cho thế là vui. Có người nước ngoài còn khoái chí với thú đồng loạt “dô, dô”, “trăm phần trăm” của những bàn nhậu ở ta. Nhưng cũng có người nhận xét: “Đàn ông nơi này lấy uống rượu, bia để thể hiện mình”. Rõ là chẳng đúng. Chỉ là cách nói khác của dân ta xưa “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhưng cũng rất đáng suy ngẫm. Đau chứ, có những người ăn không nên, làm chẳng ra, sống nhờ cậy, vật vờ, sức lại yếu nhưng nâng cốc bia, cốc rượu rồi hô hét chẳng kém gì ai. Có những người đàng hoàng tử tế hẳn hoi nhưng khi đủ độ cũng huyên náo, yêng hùng.

“Rượu ngon phải có bạn hiền”, bạn hiền để hiểu nhau, chia sẻ và chung vui cùng nhau. Quan trọng hơn, bạn hiền biết giữ cho nhau để cuộc vui đậm đà mà vừa đủ, để vui nhưng đừng vui quá đáng mà làm khổ, làm hại nhau. Thực tâm, ai cũng biết tửu lượng, sức uống của mình, chẳng ai muốn uống đến mức “không còn biết đến ngày mai”. Bởi cuộc vui này còn mở ra những cuộc vui sau. Muốn vậy, trước hết tự mình phải kiềm chế. Khó đấy nhưng đã muôn đời, muôn người làm được, chính mình cũng đã bao lần làm được. Và do vậy, hãy tin ở chính mình để tự chủ được trong các cuộc chơi, cuộc nhậu hay mọi sự vui buồn. Có vậy, ta mới thực sự là người biết tự trọng, biết làm chủ bản thân, mới thực sự là người bạn hiền. Có vậy, ta sẽ có cách uống, cách vui, cách từ chối khéo léo mà kiên quyết để vượt qua sự cả nể, sa đà buông trôi. Giữ được mình, giữ cho nhau, cái vui sẽ nhân lên mà những màn gạ ép, thách và chuốc nhau, gài nhau sẽ không diễn ra. Và cũng đừng dè bỉu, chê trách gì những người không ngồi cùng hoặc sớm rời bàn nhậu.

Văn hóa rượu bia không chỉ bó hẹp trong các mâm nhậu và những người chén chú, chén anh mà còn gắn trực tiếp và gián tiếp với những người trong gia đình, anh em bạn bè. Cái tình người vợ chiều chồng, con cái chiều cha luôn bao hàm ý biết khuyên nhủ can ngăn, không ngại ngùng, e dè. Vị thế bình đẳng giới, trách nhiệm người thân ở đây chứ đâu xa. Cái lý, cái nghĩa tập thể, cộng đồng càng mạnh hơn bởi có sức nặng của kỷ cương pháp luật, quy định, quy ước văn hóa. Nếu đâu đó thể tất, xem nhẹ và lơi lỏng thì thói tật quá chén, sa đà không chỉ tồn tại mà còn dễ dàng lây lan.

Khi cầu và cung ngày càng tăng, khi sự đua tranh trong nhiều ngóc ngách cuộc sống ngày mỗi nhiều lên, các hình thức và cung bậc tiêu dùng rượu, bia càng có nhiều biến thái tai hại. Để sinh hoạt rượu, bia lành mạnh, bổ ích và lý thú đúng với giá trị văn hóa trước hết mỗi người phải biết giữ mình và giữ cho nhau.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/giu-minh-va-giu-cho-nhau-647383