Giữ nghề rèn truyền thống

Hơn 20 năm qua, gia đình ông Sùng Tráng Tủa, bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, luôn giữ nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông. Với những bí quyết gia truyền, sản phẩm có độ tinh xảo, sắc và bền, được khách hàng ưa chuộng.

Ông Sùng Tráng Tủa (bên phải) kiểm tra chất lượng dao sau khi rèn.

Ông Sùng Tráng Tủa (bên phải) kiểm tra chất lượng dao sau khi rèn.

Lò rèn của gia đình ông Tủa được dựng ngay gần nhà, rộng khoảng 40m². Ông Tủa chia sẻ: 15 tuổi, tôi đã giúp bố tôi thực hiện một số công đoạn trong rèn dao và học nghề. Năm tôi 40 tuổi, bố mất, tôi tiếp tục kế nghiệp nghề rèn. Để làm ra sản phẩm đẹp về mẫu mã, sử dụng tốt phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn thép, định hình phôi, nung, rèn, tôi, mài, làm cán, vỏ dao... Ngoài ra, độ dài, độ to bản lưỡi dao, chuôi, độ dày, mỏng từ cán đến mũi dao được tính toán phù hợp khi sử dụng.

Lò rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nói chung và của gia đình ông Tủa nói riêng được đắp bằng đất trộn rơm nhào nhuyễn, sau đó để khô tự nhiên; mặt lò võng xuống để có thể đựng một lượng than nhất định, bên hông lò có một lỗ hình tròn để thổi gió cung cấp cho lò lúc rèn. Than dùng để rèn là than của gỗ nhãn, gỗ dẻ, sau khi đốt lấy than, than được ủ dưới hố đất một tuần mới sử dụng được. Tùy vào tính chất từng loại thép mà áp dụng những cách tôi khác nhau như tôi bằng nước, thân cây chuối, bùn ao hoặc dầu nhớt; có thể tôi 1 phần lưỡi dao hoặc tôi toàn bộ dao...

Theo ông Tủa, khó nhất trong các công đoạn rèn là việc nung phôi. Phôi sắt sau khi nung đem ra quai búa, thao tác này đòi hỏi sự khỏe khoắn, nhanh, dứt khoát trong từng nhịp búa, muốn công cụ sắc bén, không bị nứt lưỡi cần tôi đến độ vừa phải, nhìn màu thép sau khi nung đỏ để quyết định chính xác thời điểm tôi. Vỏ dao thường được làm bằng gỗ pơ mu, gỗ mun hoặc dâu rừng, bởi những loại gỗ này có vân đẹp, thớ gỗ dai, dễ tạo hình và có độ bền, bóng theo thời gian sử dụng. Cán dao và vỏ dao được gia cố bằng khâu đồng hoặc bện bằng dây mây để tăng độ thẩm mỹ.

Năm 2020, gia đình ông mở rộng quy mô lò rèn và trang bị thêm quạt điện thổi lò, máy mài, máy dập phôi... Hiện nay, mỗi tháng, lò rèn của ông sản xuất từ 30 - 40 sản phẩm, chủ yếu là các loại dao đi rừng, với giá từ 250 - 400 nghìn đồng/sản phẩm, thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, tiêu thụ trong xã, huyện, trong tỉnh và gửi đi cho khách ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội.

Một trong những khách thường xuyên đặt dao rèn của ông Tủa, anh Nguyễn Văn Long, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, thông tin: Những sản phẩm do ông ấy làm ra không chỉ bền, đẹp, sắc, mà còn thể hiện được tấm lòng của người muốn lưu giữ nghề thủ công truyền thống của dân tộc.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-nghe-ren-truyen-thong-Flwr1pRIR.html