Giữ quyền giám sát của nhân dân

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư số 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15-11-2024.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Trong thông tư mới, có điểm thay đổi quan trọng so với quy định hiện hành mà người dân cần nắm rõ. Cụ thể, theo quy định mới, những hình thức mà người dân được giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) gồm: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đối với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình như hiện hành sẽ bị loại bỏ khi thông tư mới được áp dụng.

Trước đó, Bộ Công an nhận định, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Nhiều người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, các trường hợp chống đối còn lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi, gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Xung quanh quy định trên, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về quyền giám sát của nhân dân đối với lực lượng CSGT. Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực có thể thực hiện bằng cơ chế kiểm soát bên trong nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước theo luật định và thông qua cơ chế bên ngoài nhà nước. Đó là sự kiểm soát của các tổ chức Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, của các tổ chức xã hội và cá nhân công dân. Các hành vi lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT; các trường hợp chống đối và lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc quy định người dân không được ghi âm, ghi hình hoạt động của lực lượng CSGT, dù với lý do gì, cũng đã hạn chế quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của lực lượng này.

HÀM LUÔNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giu-quyen-giam-sat-cua-nhan-dan-post762590.html