Giữ rừng
Đã hơn 5 tháng rồi rừng Phan Dũng không có giọt mưa nào. Con đường mòn qua khu rừng Phan Dũng - Tà Năng đầy bụi. Những khe suối dường như không còn nghe âm thanh róc rách. Thác Yaly ngày nào nước đổ xuống trắng xóa như suối tóc, vậy mà giờ đây cũng cạn rặc… Mùa khô đi tuần trên tuyến rừng phòng hộ vất vả, nhưng cũng dễ chịu hơn gấp nhiều lần khi mưa bão đến. Những tay phượt sau mùa dịch Covid-19 lại đổ xô khám phá rừng núi Phan Dũng - Tà Năng trong những ngày cuối tuần. Có đoàn phượt hơn trăm người đi bộ nhiều ngày qua khu rừng, người tốt, kẻ xấu khó mà phân biệt nổi… Song, đơn vị chủ rừng vẫn giao nhiệm vụ cho lực lượng bảo vệ rừng phải cảnh giác, theo dõi, bám sát tuyên truyền, không để xảy ra 'điểm nóng' phá rừng phòng hộ.
Giữ rừng
Nắm chắc đối tượng phá rừng
Theo anh Trần Văn Vui, Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Tuy Phong cho hay: Những tháng đầu năm 2020 một số đối tượng phá rừng chuyên nghiệp thường trú trên địa bàn xã Phong Phú vẫn lén lút, tổ chức canh chừng lực lượng bảo vệ rừng rồi vào rừng tự nhiên ở Phong Phú, Phan Dũng khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng phá rừng hoạt động rất tinh vi, hung hãn và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Họ thường dùng các loại xe máy độ chế, không mang biển kiểm soát để vận chuyển lâm sản từ rừng ra. Các đối tượng phá rừng thường tập hợp thành nhóm từ 7-9 người tổ chức cản trở lực lượng bảo vệ rừng thi hành công vụ. Mặt khác, việc khai thác và vận chuyển lâm sản thường diễn ra vào ban đêm nên gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các đơn vị chủ rừng luôn tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm phá rừng để triệt phá và khống chế các đối tượng vi phạm, không để xảy ra “điểm nóng” phá rừng, cháy rừng. Trong những tháng đầu năm nay, lực lượng bảo vệ rừng đã tập trung kiểm tra các khu vực trọng điểm phá rừng vùng giáp ranh với huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), huyện Bắc Bình (Bình Thuận) huyện Ninh Sơn, Thuận Nam (Ninh Thuận) và khu vực xã Phong Phú, Phan Dũng; bố trí 8 điểm chốt chặn 24/24 giờ tại các đầu đường thường ra vào rừng. Đồng thời, duy trì chốt liên ngành cắm tại chân dốc Hố Nai, xã Phong Phú để phối hợp các lực lượng bảo vệ rừng địa bàn Phong Phú và Phan Dũng. Ngoài việc tổ chức kiểm tra của Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ngành liên quan thì đơn vị chủ rừng cũng đã chủ động tổ chức lực lượng, kết hợp các hộ nhận khoán bảo vệ rừng kiểm tra hết lâm phận được giao quản lý. Vì vậy mà Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng ở Tuy Phong đã làm tốt công tác nắm chắc đối tượng phá rừng chuyên nghiệp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Truy quét rừng sâu
Đối với khu vực rừng giáp ranh, Hạt Kiểm lâm đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng bảo vệ rừng tham gia các đợt truy quét chống phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 3, thuộc ranh giới hành chính xã Phan Dũng giáp ranh với xã Đa Quyn (Đức Trọng). Điển hình là vào tháng 2/2020, nhờ phối hợp tốt các lực lượng bảo vệ rừng Tuy Phong và Đức Trọng, qua truy quét đã thu giữ một xe cơ giới tự chế, do điều kiện không thể đưa phương tiện về Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong nên đã lập thủ tục tiêu hủy phương tiện tại rừng. Từ đó, Ban Quản lý rừng phong hộ đã kiểm soát được tình hình khu vực rừng giáp ranh (tiểu khu 3). Hiện tại địa bàn rừng giáp ranh đã xây dựng được chốt bảo vệ rừng. Chốt này lực lượng chính là đơn vị chủ rừng và các hộ dân Phan Dũng nhận khoán bảo vệ rừng. Mặt khác, công tác chống phá rừng giữa Tuy Phong với các huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) Thuận Nam (Ninh Thuận) thường xuyên phối hợp chặt chẽ hơn, trao đổi thông tin hai chiều giữa các hạt kiểm lâm, các ban quản lý rừng giáp ranh để nắm bắt thông tin, đối tượng phá rừng, cách thức hoạt động phá rừng… Từ đó, có biện pháp huy động lực lượng phối hợp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời (đã tổ chức 8 đợt truy quét), hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, không để xảy ra “điểm nóng” phá rừng khu vực giáp ranh. Từ đầu năm đến nay lực lượng bảo vệ rừng cùng các đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản 5 vụ, tịch thu 3,67m3 gỗ các loại. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng phối hợp lực lượng chức năng, địa phương đã nhổ bỏ 100 cây trồng, phá hủy 60 trụ bê tông do người dân tự ý trồng vào đất lâm nghiệp. Đồng thời, đã đuổi ra khỏi rừng hơn 20 lượt xe cải tiến vào rừng khai thác cát trái phép (khu vực trồng rừng ven biển).
Có thể nói, trong những tháng đầu năm 2020, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian dài dịch Covid-19 lây lan, nhưng Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng cùng với người dân nhận khoán bảo vệ rừng ở Tuy Phong đã tranh thủ bám rừng, thường xuyên có mặt ở những tiêu điểm dễ phát sinh phá rừng để giữ rừng an toàn.
Ghi chép: Lê Thanh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/giu-rung-127622.html