'Giữ rừng là giữ cuộc sống'

Câu nói ấy được nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông chia sẻ với tôi trong lúc tuần tra, bảo vệ rừng. Với họ, công việc của 'người giữ rừng' chưa bao giờ dễ dàng nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm với rừng, họ đã vượt qua tất cả để gìn giữ 'cuộc sống của chính mình' ...

Niềm vui của người giữ rừng là những gốc cây cổ thụ trong cánh rừng tự nhiên được bảo vệ - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Niềm vui của người giữ rừng là những gốc cây cổ thụ trong cánh rừng tự nhiên được bảo vệ - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Cùng nam giới giữ rừng

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo Khu BTTN Đakrông, chúng tôi được anh Lê Văn Phan Tuấn, cán bộ đơn vị dẫn đến thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, để gặp nhân vật của mình. Anh Tuấn chia sẻ, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng (BVRCĐ) thôn Tà Lao có 10 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và hưởng chế độ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Điều đặc biệt, tổ này do một người phụ nữ tên là Hồ Thị Men làm tổ trưởng.

Đến đúng vào thời điểm các anh chị trong tổ đang chuẩn bị tư trang cho chuyến tuần tra rừng như thường lệ, tôi mạnh dạn xin được đi cùng để trải nghiệm. Theo anh Tuấn, chị Men là người có uy tín trong thôn, vừa là Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Tà Lao, nên khi tham gia Tổ BVRCĐ từ năm 2019, chị được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Hơn 6 năm gắn bó với nghề “giữ rừng”, chị Men bằng tinh thần trách nhiệm của mình đã luôn động viên các thành viên trong nhóm thực hiện tốt việc tuần tra, bảo vệ màu xanh của rừng.

Sau khi kế hoạch đi tuần được chị Men phổ biến nhanh, 10 thành viên của Tổ BVRCĐ thôn Tà Lao chia nhóm để bắt đầu tuần rừng. Theo chị Men, Tổ BVRCĐ thôn chị được giao khoán gần 1.150 ha ở nhiều tiểu khu khác nhau, do đó việc tuần tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên. Có đợt, cả tổ phải gùi theo lương thực, thực phẩm và đồ thiết yếu để ở lại dài ngày. Mỗi lần đi như vậy, các thành viên trong tổ đều được cán bộ Khu BTTN Đakrông cập nhật thông tin thông qua một ứng dụng được cài đặt sẵn trên điện thoại thông minh nhằm báo cáo, thu thập các dữ liệu, hiện trạng về rừng vào hệ thống chung. Trường hợp nếu có sự cố, cán bộ Khu BTTN Đakrông sẽ kịp thời phối hợp, xử lý và hỗ trợ.

“Là phụ nữ nhưng phải băng rừng, trèo đèo, lội suối để đến từng cánh rừng, chưa kể quá trình đi còn gặp nhiều nguy hiểm khác nhưng chúng tôi đều vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lẽ, rừng là nguồn sống của người đồng bào dân tộc Vân Kiều, nhờ rừng mà chúng tôi có công việc và thu nhập”, chị Men bộc bạch.

Cùng tổ với chị Hồ Thị Men, chị Hồ Thị Thế, năm nay 37 tuổi nhưng cũng “tích góp” cho mình gần 6 năm kinh nghiệm giữ rừng. Chị Thế kể, trong tổ có 7 nam giới và 3 nữ đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi tham gia bảo vệ rừng theo dạng nhận khoán từ Khu BTTN Đakrông. “Người Vân Kiều sinh ra và lớn lên đều gắn bó với rừng, giờ sống chung bên những cánh rừng thì phải biết giữ gìn chúng để bảo vệ cuộc sống cộng đồng”, chị Thế chia sẻ.

Anh Hồ Văn Dũng (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Anh Hồ Văn Dũng (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Nghe xong tâm sự của chị Men, anh Tuấn góp chuyện: “Là phụ nữ nhưng các chị trong Tổ BVRCĐ Tà Lao giỏi lắm đấy. Họ không những là người trực tiếp giữ rừng mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, từng thuyết phục thành công rất nhiều đối tượng có ý định khai thác rừng trái phép, đặt bẫy chim, thú để không phá rừng. Các chị đều là những cán bộ cơ sở năng động, nhiệt tình và rất được bà con quý mến. Chị Thế là người có trình độ cao vì tốt nghiệp cử nhân Luật, ở địa phương là người làm kinh tế giỏi; chị Hải Tăng là Trưởng thôn Tà Lao hay chị Men ngoài cán bộ thôn, chi bộ, mặt trận còn là một nữ y tá thôn rất được bà con tôn trọng”.

Giữ màu xanh cho mai sau

Trong câu chuyện về bảo vệ rừng, tôi được Phó Giám đốc Khu BTTN Đakrông Hồ Viết Thắng chia sẻ về những thay đổi trong nhận thức của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi này. Chứng kiến tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại ngày càng nặng nề, người dân càng thấu hiểu một điều rằng, ở cạnh rừng thì phải giữ cho được màu xanh của rừng.

Đây cũng chính là lý do mà rất nhiều hộ gia đình, cá nhân người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở huyện Đakrông tham gia các nhóm hộ, tổ BVRCĐ để chung tay cùng Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Đakrông giữ màu xanh cho gần 37.500 ha rừng các loại và gần 5.300 ha rừng thuộc khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh.

Ông Thắng cho biết, BQL Khu BTTN Đakrông hiện tổ chức khoán bảo vệ rừng cho 16 cộng đồng và nhóm hộ gia đình theo các nguồn kinh phí khác nhau để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học...

Mặc dù diện tích được giao rất lớn, địa hình khó khăn, hiểm trở, chế độ chưa cao, trong khi lực lượng chuyên trách của đơn vị mỏng, phải đảm nhận công tác chuyên môn, nên đây chính là lực lượng nòng cốt, “cánh tay đắc lực” góp phần gìn giữ màu xanh của rừng.

Chị Hồ Thị Men (bên phải) và Hồ Thị Thế là những thành viên nòng cốt của Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lao - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Chị Hồ Thị Men (bên phải) và Hồ Thị Thế là những thành viên nòng cốt của Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lao - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Tiếp tục đến một chốt trực của Tổ BVR nhóm hộ xã Tà Long, chúng tôi may mắn gặp được một “thủ lĩnh” có trên 14 năm kinh nghiệm giữ rừng. Anh Tuấn giới thiệu, tổ bảo vệ này gồm đại diện các hộ gia đình trong xã Tà Long được tham gia nhận khoán để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Nhiều năm qua, đây là một trong những tổ làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc nhờ tài lãnh đạo của Phó Bí thư Chi bộ thôn Trại Cá Hồ Văn Dũng - một người đồng bào dân tộc Vân Kiều năng động và uy tín .

Chỉ tính trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, BQL Khu BTTN Đakrông tổ chức trên 1.110 đợt tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật rừng hoang dã. Qua đó, tịch thu nhiều dụng cụ như súng tự chế, rìu, búa; tháo dỡ và tiêu hủy trên 6.000 bẫy động vật, 63 lán trại trái phép; phát hiện và dập tắt kịp thời 2 vụ cháy rừng nhỏ; tổ chức gần 100 đợt tuyên truyền, họp dân, mít tinh diễu hành, tuyên truyền lưu động và phát hàng nghìn tờ rơi, áp phích về bảo vệ rừng và động vật hoang dã... Có được kết quả này, công lớn phải kể đến các tổ BVRCĐ, nhóm hộ gia đình trên địa bàn. Họ là những người đóng góp quan trọng cho công cuộc giữ xanh những cánh rừng trên đại ngàn miền Tây Quảng Trị.

Phó Giám đốc Khu BTTN Đakrông Hồ Viết Thắng

“Tổ BVR nhóm hộ xã Tà Long có 12 thành viên được giao khoán bảo vệ gần 2.260 ha rừng. Để tạo đồng thuận và nâng cao trách nhiệm người dân trong công tác bảo vệ rừng, tại các cuộc họp thôn, tôi phải lồng ghép nội dung quản lý, sử dụng và phát triển rừng; tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác trái phép, săn bắt động vật rừng...

Không những thế, chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, bắt tay chỉ việc để bà con biết cách trồng, chăm sóc rừng đúng kỹ thuật, để cây sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Dũng thông tin.

Không chỉ bằng lời nói, anh Dũng còn luôn gương mẫu, tính toán, sắp xếp hợp lý các đợt tuần tra rừng. Theo anh Dũng, vào thời điểm nhạy cảm, những người bảo vệ rừng càng phải thường xuyên tăng cường đi tuần tra các khu vực rừng, địa bàn “nóng”.

Để đến được các khu vực xung yếu này, tổ chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ tư trang, thiết bị, thực phẩm, nhất là điện thoại thông minh đã được cài đặt phần mềm theo dõi, cập nhật thông tin của Khu BTTN Đakrông.

Mỗi đợt tuần, chúng tôi xuất phát từ tờ mờ sáng, bởi quãng đường đi rừng hàng chục cây số với nhiều khúc quanh co, cheo leo, có đoạn phải vượt núi hiểm trở mới tiếp cận được.

Để tuần tra, kiểm soát một cách kỹ càng, tổ chúng tôi chia nhóm cắm trại ở lại nhiều ngày. “Dù vất vả nhưng vì nhiệm vụ, những người giữ rừng chúng tôi phải cố gắng hoàn thành, mong sao giữ được màu xanh của rừng cho mai sau”, anh Dũng chia sẻ.

Trường Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giu-rung-la-giu-cuoc-song-189252.htm