Giữ vững pháo đài chống dịch ở thành phố hoa

Thành phố Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, nơi tập trung nhiều khách du lịch và di biến động dân số cơ học trở thành thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Hai năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế (TTYT) Đà Lạt đã nỗ lực hết mình, kiên cường giữ vững pháo đài chống dịch của thành phố; trong đó, có vai trò của nữ 'thủ lĩnh' Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc TTYT Đà Lạt.

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Duy Hùng và Chủ tịch TP Đà Lạt Tôn Thiện San trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Giám đốc và Phó Giám đốc TTYT Đà Lạt về thành tích chống dịch COVID-19

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Trần Duy Hùng và Chủ tịch TP Đà Lạt Tôn Thiện San trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Giám đốc và Phó Giám đốc TTYT Đà Lạt về thành tích chống dịch COVID-19

LÀM VIỆC BẰNG CÁI TÂM BỀN BỈ

Khi tôi hỏi Thạc sĩ - Bác sỹ Hiếu Hòa về 24 giờ của mình như thế nào, chị chỉ cười chia sẻ nhanh qua điện thoại: “Chúng tôi làm việc, ăn, ngủ đều nghĩ về dịch. Trực 24/24, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, nghe điện thoại liên tục, rất nhiều lần ngủ cũng như thức, ngày như đêm với công việc thường trực là chống dịch”.

Trước Nghị quyết 128 của Chính phủ (15/10/2021), công tác chống dịch của TP Đà Lạt nhận được sự tăng cường hỗ trợ nhân lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các TTYT Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương và các bệnh viện trên địa bàn lúc cao điểm bùng dịch để giúp thành phố nhanh chóng dập dịch tại Xuân Trường, Trạm Hành, Vạn Thành (Phường 5). Kể từ khi thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các địa phương trong tỉnh đều có ca bệnh tăng nhanh, vì vậy, cũng như các huyện, TP Đà Lạt thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” trong phòng, chống dịch.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tại TP Đà Lạt

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tại TP Đà Lạt

Lực lượng y tế của thành phố gồm 208 cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc TTYT Đà Lạt ở các tuyến từ thành phố đến phường, xã hoạt động hết công suất trong 2 năm qua. Trong đó, 80% là nữ đã vượt lên chính mình để tập trung chống dịch; nhất là mạng lưới y tế dự phòng, y tế phường, xã, các tổ phản ứng nhanh thường trực chống dịch. Bố trí có 4 đội phản ứng nhanh 16 người, nhưng thực tế cán bộ, nhân viên y tế đều hoạt động trong tình huống phản ứng nhanh. “Các bạn y tế dự phòng 2 năm nay hầu như không về nhà, hạn chế tiếp xúc và thường trực ở cơ quan sẵn sàng điều tra, truy vết khi có ca bệnh” - Thạc sĩ - Bác sỹ Hiếu Hòa chia sẻ.

Với vai trò lãnh đạo của ngành Y tế TP Đà Lạt, cũng là nữ Giám đốc TTYT duy nhất trong 12 huyện, thành phố của tỉnh, Thạc sĩ - Bác sỹ Hiếu Hòa cho biết: “Tôi thường xuyên động viên anh chị em trong ngành phải làm việc bằng cái tâm bền bỉ, nhất là giai đoạn đầu chống dịch khi Đà Lạt chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 nguy cơ dịch bệnh rất cao, tâm lý lo lắng, bất an. Trong giai đoạn chống dịch hiện nay, anh chị em có tâm mới bám trụ được với công việc bởi cùng với nhiệm vụ điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, y tế thành phố có thêm nhiệm vụ điều trị F0 nhẹ tại 2 cơ sở và thực hiện cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 tại nhà...”.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tại TP Đà Lạt

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tại TP Đà Lạt

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM Y TẾ ĐA CHỨC NĂNG

TTYT Đà Lạt hiện là TTYT đa chức năng, thực hiện nhiệm vụ công tác dự phòng, dân số, khám chữa bệnh theo phân tuyến huyện, xã. Năm 2021, TTYT Đà Lạt có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên lĩnh vực y tế - dân số. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đạt dưới 6,8%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,1‰; duy trì các phường, xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế với 100% trạm y tế có bác sĩ hoạt động. Hoàn thành tốt các chỉ tiêu chuyên môn khám chữa bệnh, các chương trình y tế - dân số và các nhiệm vụ khác được Sở Y tế giao, và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Đà Lạt.

TTYT luôn bám sát các văn bản quy định của Chính phủ, bộ, ngành, UBND tỉnh; cụ thể hóa các kế hoạch, hướng dẫn của Sở Y tế, của Thành ủy, UBND TP Đà Lạt và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Lạt để triển khai quyết liệt các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh. Đến gần cuối tháng 12/2021, Đà Lạt đã ghi nhận 1.195 ca COVID-19; trong đó, có 354 ca đang cách ly điều trị.

CDC tỉnh tăng cường điều tra truy vết tại Xuân Trường - Trạm Hành (TP Đà Lạt)

CDC tỉnh tăng cường điều tra truy vết tại Xuân Trường - Trạm Hành (TP Đà Lạt)

Đà Lạt đạt độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao nhất trong tỉnh. Việc tổ chức tiêm chủng nhanh, an toàn, góp phần đảm bảo cho TP Đà Lạt đạt tỉ lệ bao phủ đủ mũi vắc xin cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên hoàn thành trong năm 2021 và chuẩn bị tổ chức tiêm mũi tăng cường, mũi nhắc lại theo kế hoạch của Sở Y tế tỉnh ngay sau khi được phân bổ vắc xin theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Việc tổ chức truy vết, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 được tổ chức theo hướng dẫn chuyên ngành: Cách ly F1 tại nhà có giám sát chặt chẽ của địa phương nếu đủ các điều kiện cách ly tại nơi ở và cách ly tập trung các đối tượng còn lại.

Lấy mẫu sàng lọc SARS-CoV-2 cộng đồng tại xã Xuân Trường

Lấy mẫu sàng lọc SARS-CoV-2 cộng đồng tại xã Xuân Trường

Việc cách ly, điều trị F0 được từng bước phân tầng điều trị thích ứng. Trong tháng 12/2021, TTYT Đà Lạt đã đề xuất thành lập và vận hành 2 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 nhẹ và không triệu chứng với quy mô 390 giường bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Ký túc xá sinh viên tập trung. Hiện việc phân tầng điều trị F0 trên địa bàn Đà Lạt được thiết lập và vận hành theo quy định. Việc triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà đang được thực hiện thí điểm và nhân rộng tại các phường, xã, áp dụng với các trường hợp có đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế...

Giám đốc TTYT Đà Lạt Nguyễn Thị Hiếu Hòa cho biết: “Năm 2022, vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách thức cho y tế cơ sở nói chung và TTYT Đà Lạt nói riêng, bởi số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ yêu cầu, áp lực công việc, quá tải, môi trường làm việc căng thẳng và nguy cơ lây nhiễm cao. Cán bộ y tế luôn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt là ý thức tự giác phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân chung tay phòng, chống dịch bệnh, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân”.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202202/giu-vung-phao-dai-chong-dich-o-thanh-pho-hoa-3101888/