Giúp dân thoát nghèo từ cây chanh leo
Phiêng Pằn là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Sơn La. Do điều kiện địa hình, đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi người dân nơi đây. Để đồng hành với bà con vượt qua khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, BĐBP Sơn La đã giúp dân thoát nghèo bằng mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng cây chanh leo.
Từ UBND xã Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn) vào tới Đồn Biên phòng Phiêng Pằn vẻn vẹn chỉ hơn chục cây số, thế nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ đi xe máy mới tới nơi. Con đường gồ ghề, lởm chởm đá hộc với ổ voi, ổ gà làm cho chiếc xe máy chồm lên như những chú ngựa. Đại úy Vì Văn Thinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phiêng Pằn nói: “Tuy hơi nắng một chút nhưng còn đỡ, chứ trời mưa, cán bộ, chiến sĩ ra xã họp hay đi công tác đều phải đi bộ, mất khoảng 5-6 giờ đồng hồ mới ra được trung tâm xã”.
Đi dọc hai bên đường, điều làm chúng tôi bất ngờ nhất chính là những vườn cây chanh leo xanh tít tắp, sai trĩu quả. Những giàn chanh leo được người dân dựng lên nối thẳng từ triền đồi xuống tới tận mép đường cái. Đại úy Vì Văn Thinh cho biết: “Đây là thành quả của đơn vị sau bao nhiêu năm miệt mài giúp người dân trồng cây chanh leo, từ hướng dẫn cách gieo hạt, làm giàn đến chăm sóc cây phát triển”.
Đồn Biên phòng Phiêng Pằn được giao nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 6km, gồm 4 mốc quốc giới tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong đó, đơn vị phụ trách xã biên giới Phiêng Pằn, có 19 bản với 1.648 hộ, trên 8.226 nhân khẩu, đa phần là người dân tộc Xinh Mun và dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, chỉ huy Đồn Biên phòng Phiêng Pằn quyết định phải tìm được hướng đi để bà con thoát nghèo, giúp người dân đi lên từ chính mảnh đất bà con đang sinh sống. Đầu năm 2017, được sự đồng ý của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La, đơn vị đã xây dựng đề án đưa cây chanh leo vào trồng thử nghiệm, phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn các hộ nghèo để hướng dẫn làm thí điểm. Cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã tìm hiểu về loại cây này rất kỹ lưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp đưa ra thảo luận nhiều lần trước khi áp dụng vào thực tiễn, từ việc hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây, đến giải quyết “bài toán” ổn định đầu ra.
Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã trồng thử nghiệm 3ha cây chanh leo với khoảng 3.500 gốc. Kết quả, trong vụ đầu tiên, sản lượng thu được là 150 tấn, trừ chi phí, thu được gần 300 triệu đồng. Số tiền này được dùng để nhân rộng và hỗ trợ cho các gia đình nghèo trong xã tiếp tục triển khai.
Anh Vì Văn Hoa - một trong những hộ nghèo của bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn được Đồn Biên phòng Phiêng Pằn hỗ trợ về cây giống, cắt cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn cách chăm sóc phát triển cây chanh leo, chia sẻ về thành quả đạt được: “Gia đình tôi được Đồn Biên phòng Phiêng Pằn tạo điều kiện trồng cây chanh leo. Chỉ huy đồn còn cử Thượng úy Bùi Xuân Trang xuống hướng dẫn gia đình tôi cách gieo trồng, chăm sóc cây. Hiện tại, sau hơn 2 năm triển khai, gia đình tôi đã trồng được hơn 5.000 gốc chanh leo, mỗi vụ thu hoạch cho sản lượng hơn 300 tấn, gia đình tôi thu lãi khoảng hơn 500 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình đã thoát nghèo, có của ăn, của để”.
Là một trong những người nghiên cứu về các giống cây ăn quả đã lâu và cũng là “công trình sư” của những dự án, mô hình mang lại hiệu quả của đơn vị, Trung tá Hoàng Văn Viên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phiêng Pằn cho biết: “Thời gian từ khi trồng cây chanh leo cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 5 đến 6 tháng. Vật liệu làm giàn rất sẵn, chỉ cần bà con lên rừng chặt cây tre, vầu, nứa để làm cột, gia đình nào có điều kiện thì đầu tư cọc sắt. Thời gian thu hoạch ngắn, nếu chăm sóc tốt, 4 đến 5 năm sau mới phải trồng lại. Năm đầu tiên, vườn chanh leo thu hoạch 30-40 tấn/ha; năm thứ hai đạt 70-80 tấn/ha. Với giá trung bình bán ra thị trường hiện nay từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg (mỗi kg khoảng từ 13 đến 14 quả), sau khi trừ chi phí, người nông dân có thể lãi hơn 500 triệu đồng/ha”.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Trung tá Hoàng Văn Viên cho biết thêm: “Điều quan trọng nhất là phải làm cho bà con nhìn thấy được thành quả để bà con làm theo. Sau khi Đồn Biên phòng Phiêng Pằn trồng chanh leo thành công, đơn vị đã liên hệ với Công ty cổ phần thực phẩm Nafoods Tây Bắc hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá ổn định. Điều khiến cho người dân hết sức vui mừng là đến thời điểm thu hoạch, Công ty cổ phần thực phẩm Nafoods Tây Bắc thu mua toàn bộ sản phẩm, người dân không phải lo đầu ra hay bị thương lái ép giá”.
Tính tới thời điểm hiện tại, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã nhân rộng mô hình này cho hơn 30 hộ dân trong xã Phiêng Pằn, nhờ đó, đời sống của các hộ nghèo đã trở nên khá giả hơn. Với sự giúp đỡ của BĐBP, đồng bào đã có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn trước.
Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, nhìn những ngôi nhà xung quanh xanh mướt những giàn chanh leo trải dài từ đỉnh đồi xuống tới chân dốc, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được công lao của những người lính nơi đây. Bằng lòng nhiệt tình, sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã góp phần làm đổi thay diện mạo nơi đây...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giup-dan-thoat-ngheo-tu-cay-chanh-leo-post430508.html