Giúp người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận tri thức
Sách là kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại, thế nhưng ở vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận tri thức của người dân và học sinh còn hạn chế.
Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum về việc đưa ánh sáng tri thức đến bà con và học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Thưa bà, ở những vùng sâu, vùng xa đời sống của người dân còn thiếu thốn nên việc tiếp cận văn hóa, trau dồi thêm tri thức bị hạn chế. Vậy trong những năm qua đơn vị đã tổ chức những hoạt động, chương trình gì để đưa sách, tri thức… đến các xã, huyện vùng sâu vùng xa trên địa bàn ?
Bà Trần Thị Kim Phương: Nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận với văn hóa, thông tin tri thức, hàng năm, Thư viện tỉnh đã bổ sung tài liệu (sách, báo, tạp chí) từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp để xây dựng tủ sách. Trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh bổ sung trên 2.000 bản sách, 8-10 loại báo, tạp chí cho các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh với nội dung liên quan đến pháp luật, khoa học – kĩ thuật….
Không những vậy, đơn vị còn tổ chức thư viện lưu động đa phương tiện với tên gọi “Ánh sáng tri thức” để tập trung xây dựng và hình thành thói quen đọc sách đến vùng khó. Qua đó đưa thông tin, tri thức từ sách đến với học sinh, người dân. Trong đó chú trọng là bà con dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm tạo tiền đề gợi mở cho người dân thấy được lợi ích từ sách và đọc sách. Mỗi chuyến xe là sự kết hợp giữa thư viện truyền thống với hiện đại, trong đó có các hoạt động phục vụ đọc sách in giấy cùng với việc hướng dẫn tìm kiếm thông tin trên Internet. Nhờ vậy giúp học sinh và người dân có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, trang bị thêm kiến thức, nâng cao vốn hiểu biết để phục vụ cho việc học tập, giải trí và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là những hoạt động mang ý nghĩa xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt là giúp cho các em thiếu nhi phát triển tư duy, rèn luyện thể chất, hoàn thiện nhân cách để sau này trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho xã hội.
Trong quá trình hỗ trợ, cung cấp tri thức, tài liệu đến người dân… bà nhận thấy những sự thay đổi như thế nào về cuộc sống, suy nghĩ của bà con vùng khó?
Bà Trần Thị Kim Phương: Sau một thời gian hỗ trợ, cung cấp tài liệu về khoa học – kĩ thuật, giúp người dân vươn lên thoát nghèo tôi thấy những sự thay đổi tích cực. Có nhiều người dân sau khi mượn sách rồi mang đến trả thì gửi lời cảm ơn. Bởi thông qua việc tìm hiểu kiến thức qua sách báo, bà con đã áp dụng những biện pháp trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Từ đó mang lại năng suất, chất lượng cao cho vật nuôi, cây trồng.
Như ở huyện Đăk Hà, thư viện huyện thông tin lại rằng bà con nông dân đã mượn tài liệu về nghiên cứu phục vụ cho quá trình trồng trọt (trồng nấm), chăn nuôi (phòng chống dịch bệnh cho gia cầm). Sau khi áp dụng những kiến thức trong sách đã đem lại lợi ích, hiệu quả cao cho bà con.
Ngoài việc đưa sách đến buôn làng, mong bà chia sẻ những hoạt động thiết thực của đơn vị nhằm nâng cao tri thức cho mọi người ?
Bà Trần Thị Kim Phương: Ngoài việc đưa sách đến với học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đơn vị còn phối hợp với Phòng Chính trị - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Phòng chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để luân chuyển sách đến các Đồn biên phòng. Bên cạnh đó tổ chức chuyến xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” tại tiểu đoàn Huấn luyện cơ động D19; Trung đoàn bộ binh 990. Đồng thời phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách tại Trung đoàn bộ binh 186, tặng sách xây dựng tủ sách cho các Tiểu đội dân quân tự vệ với 426 bản sách các loại. Ngoài ra, tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam...
Trong quá trình đưa tri thức đến người dân, học sinh, đơn vị gặp những khó khăn gì ?
Bà Trần Thị Kim Phương: Khi đưa tri thức về với người dân, bên cạnh những thuận lợi thì đơn vị cũng gặp không ít những khó khăn. Cụ thể, hệ thống thiết chế về thư viện trên địa bàn tỉnh chưa được đồng bộ.
Riêng thư viện cấp tỉnh thì nhân lực chỉ có 9 viên chức, nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trụ sở Thư viện tỉnh đã xây dựng lâu năm, nhiều hạng mục xuống cấp ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.
Ngoài ra, hệ thống thư viện cấp huyện chưa được kiện toàn, hầu hết các địa phương chưa có trụ sở, chưa có viên chức thư viện chuyên trách và chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Đó là một trong những khó khăn gây ảnh hưởng đến việc luân chuyển sách đến cơ sở phục vụ bạn đọc cũng như tổ chức các hoạt động nhằm phát triển Văn hóa đọc ở cơ sở.
Còn với Thư viện xã nhiều đơn vị không có phòng thư viện, không có giá sách, không có cán bộ chuyên trách (chủ yếu do công chức văn hóa xã đảm nhận), nhân sự luôn thay đổi...
Chính vì vậy, tôi mong rằng tỉnh ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực Thư viện. Trong đó ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện cũng như mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong hệ thống... Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện công cộng và đầu tư kinh phí để thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực Thư viện…
Nghèo đa chiều là rào cản trong phát triển bền vững ở vùng khó. Bà có mong ước gì nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh và người dân để họ có cuộc sống tốt đẹp, ấm no hơn ?
Bà Trần Thị Kim Phương: Trong thời gian qua, Thư viện tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xây dựng phong trào đọc sách trong nhân dân. Sách báo thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngoài các hoạt động phục vụ đọc, mượn tại chỗ, thư viện còn luân chuyển sách báo đến cơ sở, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin và tri thức. Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, thư viện đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xóa đói, giảm nghèo bền vững phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững an ninh quốc phòng.
Đọc sách giúp phụ huynh có thêm nhiều kiến thức để cùng chia sẻ, đồng hành với các con từ khi còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành. Ngoài ra việc đọc sách còn cung cấp thông tin giúp chúng ta có thêm tri thức trong quá trình học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, giao tiếp xã hội... Bên cạnh đó, việc đọc sách cũng như là một hình thức giải trí, giảm căng thẳng mệt mỏi cho mọi người thay vì xem ti vi, sử dụng điện thoại zalo, facebook...Có thể nói việc đọc sách đối với tất cả chúng ta là rất quan trọng và cần thiết. Thực tế cho thấy những người thành công là người đọc rất nhiều sách. Vì vậy mỗi người cần rèn luyện cho mình thói quen đọc sách để giúp ích cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội học tập.