Gỡ điểm nghẽn để HTX ở Lào Cai ứng dụng công nghệ
Nhằm nắm bắt những nguyên nhân cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX, sáng 17/7, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế tập thể tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết phát triển KTTT, HTX kiểu mới là xu thế tất yếu, khách quan, là phương thức tổ chức sản xuất phổ biến và hiệu quả. Liên kết hộ cá thể thì mới có khả năng ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chính vì điều này mà 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Lào Cai thành lập mới 14 HTX, nâng tổng số HTX lên 515 (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023).
Hiện nay, toàn tỉnh có 36 mô hình liên kết sản xuất, với 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân và 20 HTX tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân.
Một trong những định hướng trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh là ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Thành, Giám đốc HTX Tả Phìn Xanh,nguồn vốn để đầu tư trang - thiết bị của HTX còn hạn chế nên chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh chưa cao. Khả năng huy động vốn của các thành viên còn rất hạn chế. Do quy mô hoạt động của HTX chủ yếu là các dịch vụ đầu vào, doanh thu tạo ra chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Út, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Phong, cho biết theo tính toán của các thành viên, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần khoảng 140 - 150 tỷ đồng (gấp 4 - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống). Hay muốn đầu tư 1 ha nhà kính hoàn chỉnh, HTX cần ít nhất từ 10 -15 tỷ đồng.
“Song thực tế, các HTX trên địa bàn hiện nay, nguồn vốn ít nên khó thực hiện. Việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản thấp nên việc vay vốn cũng bị hạn chế”, bà Nguyễn Thị Út cho biết.
Có lẽ vì lý do trên mà không chỉ một số HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị. Đi liền với đó, tỷ lệ HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể tại Lào Cai còn cao (141 HTX, chiếm 27,4% tổng số HTX).
Trước thực trạng của khu vực kinh tế tập thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường, cho rằng những "điểm nghẽn" đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX chủ yếu về vốn, chính sách hỗ trợ… Do đó, cần tập trung tháo gỡ những vấn đề này để HTX phát triển sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các HTX cần gắn phát triển sản phẩm với du lịch, phát huy tính linh động, sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số để kết nối chuỗi giá trị. Tỉnh sẽ cân đối bố trí ngân sách địa phương để đối ứng với Quỹ của Liên minh HTX để triển khai làm mẫu, làm điểm chuỗi giá trị sản xuất, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết tỉnh cần có giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đáp ứng những đòi hỏi và mức độ cạnh tranh ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
“Làm thế nào để mọi người dân tham gia phát triển KTTT, HTX, khởi nghiệp thông qua mô hình HTX. Nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động chất lượng, tay nghề cao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh…
Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX với những chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương miền núi, biên giới.
Đặc biệt chú trọng các chính sách về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại cho HTX để các HTX có những điều kiện thuận lợi để phát triển.