Gỡ khó cho bảo tàng tư nhân

Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch. Thế nhưng để mở ra một bảo tàng tư nhân đã khó, việc duy trì và phát triển cũng không hề đơn giản...

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh. P. Sỹ.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh. P. Sỹ.

Mở ra những không gian văn hóa

Nhắc đến bảo tàng tư nhân, nhiều người sẽ nghĩ đến bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết và khoảng 150 hiện vật kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá - Làng nhiếp ảnh đầu tiên ở Hà Nội.

Câu chuyện làng nghề trong bảo tàng được kể từ khi ông tổ nghề Nguyễn Đình Khánh mang nghề nhiếp ảnh về làng, truyền dạy cho các học trò cũng là người trong làng Lai Xá. Từ đó, những người này đã cùng nhau gây dựng nên cả một làng nghề làm nhiếp ảnh.

Bảo tàng cũng giới thiệu người xem biết đến quá trình mà người dân Lai Xá đã gây dựng các hiệu ảnh trên khắp cả nước như thế nào, xây dựng thương hiệu ảnh của mình ra sao… Tuy chỉ là một không gian nhỏ nhưng nó chứa đựng sự tâm huyết, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc của quê hương.

Cùng với bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, nằm trong khuôn viên nhỏ của gia đình tọa lạc tại D9 - Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) là Bảo tàng Tố Hữu. Chỉ vỏn vẹn khoảng 120m2 nhưng với phong cách trưng bày khoa học và đổi mới, bằng sự kết hợp nhiều phương tiện nghe nhìn, bảo tàng đã cố gắng cung cấp cho người xem một cách đầy đủ và đa chiều các tư liệu bối cảnh quốc tế, đất nước và cá nhân nhà thơ trong gần một thế kỷ nhiều biến động.

Một góc không gian trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh. P. Sỹ.

Một góc không gian trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh. P. Sỹ.

Còn khi đến với bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội), du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng như các bậc tiền bối cách mạng cùng thời.

Ở Huế, bảo tàng Gốm cổ sông Hương do TS Thái Kim Lan thành lập, hiện đang là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu, đóng góp vào di sản văn hóa Huế. Bảo tàng vẫn tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy di sản trên nhiều phương diện. Lượng khách tham quan Bảo tàng ngày càng tang.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều bảo tàng tư nhân. Các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú, từ gốm sứ, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa...bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Mỗi bảo tàng có vẻ hấp dẫn riêng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, việc ngày càng có nhiều bảo tàng tư nhân là điều đáng mừng. Các hiện vật, tư liệu được phát huy hết giá trị phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu. Kết quả này cũng cho thấy câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tư liệu… không chỉ còn của Nhà nước mà của nhiều tầng lớp, toàn dân.

Du khách quốc tế trải nghiệm chụp ảnh tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh. Nguyễn Thắng.

Du khách quốc tế trải nghiệm chụp ảnh tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh. Nguyễn Thắng.

Tạo cơ chế thông thoáng

Nhận định về việc phát triển bảo tàng tư nhân, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho bảo tàng tư nhân là cần thiết. Các quỹ đầu tư, trợ cấp và hướng dẫn để tiếp cận nguồn lực tài chính sẽ là động lực lớn cho các tổ chức này. Chúng ta cũng nên giảm thuế cho các bảo tàng tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận mặt bằng, không gian trưng bày.

TS Thái Kim Lan – người thành lập bảo tàng Gốm cổ sông Hương từng cho rằng, các bảo tàng ngoài công lập chỉ thật sự đứng vững và phát triển khi có kỹ năng gìn giữ khoa học các bộ sưu tập và giá trị của chúng. Đồng thời, bảo tàng cần có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trên phương diện: Tổ chức, bảo đảm an ninh, quảng bá, truyền thông trong nước và nước ngoài...

Đồng quan điểm, theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, cần có một quỹ hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân, các hoạt động bảo tồn di sản. Quỹ này có thể thành lập từ việc huy động các nguồn lực xã hội với tôn chỉ, mục đích, tiêu chí hoạt động rõ ràng để các bảo tàng tư nhân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các bảo tàng cần thay đổi về cách trưng bày và cung cấp thông tin. Điều đó đòi hỏi giám đốc các bảo tàng tư nhân cũng cần năng động hơn trong việc liên kết với các công ty lữ hành. Sự kết hợp đôi bên cùng có lợi này góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa đa dạng, góp phần bồi đắp hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam.

Còn theo TS Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bảo tàng tư nhân đã, đang và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sưu tập gìn giữ bảo quản và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhiều bảo tàng tư nhân sở hữu những di sản vô cùng giá trị. Khi chưa có cơ chế ưu đãi nào, các bảo tàng tư nhân phải hoàn toàn tự lo kinh phí từ nguồn đầu tư của các cá nhân, dẫn tới những khó khăn trong việc tổ chức trưng bày, bảo quản hiện vật, đón khách tham quan. Đây cũng là điểm nghẽn trong quá trình phát triển của các bảo tàng tư nhân. Vì vậy, nhiều bộ sưu tập quý giá của các cá nhân vẫn chỉ là sưu tập của cá nhân, chưa phát huy được giá trị, không có điều kiện để trưng bày rộng rãi.

“Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, rất cần có những quy định cụ thể, thiết thực để tạo động lực phát triển bảo tàng tư nhân. Trong đó, cần thiết phải có những quy định riêng cho bảo tàng tư nhân: từ điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động, cho đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được những điều kiện cần thiết nhất để bảo tàng tư nhân phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quốc gia” - bà Nga nhấn mạnh.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-kho-cho-bao-tang-tu-nhan-10292739.html