Gỡ khó trong đào tạo nghề cho lao động miền núi
Những năm qua, chính sách đào tạo nghề ở miền núi nói chung, lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực về việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, huyện miền núi Hướng Hóa vẫn gặp một số khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo nghề, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ để phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.
Thực hiện Quyết định 1956/QĐTTg của Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, những năm qua, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hướng Hóa đã đào tạo 151 lớp nghề sơ cấp với 3.617 học viên, trong đó có 3.053 học viên là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề chưa cao. Trong khi đó, cán bộ phụ trách quản lý công tác đào tạo nghề các xã, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm nên việc phối hợp trong quản lý, đôn đốc và tuyển sinh đào tạo chưa thường xuyên.
Học viên tham gia học nghề là lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn nên vừa học, vừa lao động kiếm sống, do đó ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh.
Kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo quy định của Nhà nước là 30.000 đồng người/ngày, trong khi ngày công lao động thời vụ hiện nay tối thiểu cũng 200.000 đồng/người/ngày nên nhiều lao động không mặn mà học nghề.
Đối với các lớp sơ cấp nghề nông nghiệp, đa phần học viên sau khi kết thúc khóa học không có vốn đầu tư mô hình sản xuất, kinh doanh để duy trì, phát triển nghề đã học. Đối với những nghề phi nông nghiệp thì địa bàn Hướng Hóa có ít doanh nghiệp nên vấn đề tạo việc làm cho người lao động sau học nghề cũng gặp không ít thách thức.
Ví dụ như năm 2018, Trung tâm GDNN-DGTX huyện Hướng Hóa phối hợp Công ty May Lao Bảo mở 2 lớp May công nghiệp cho người lao động trên địa bàn huyện. 70 học viên thời điểm đó được bố trí học tại nhà máy. Sau 3 tháng học nghề, các học viên được cấp chứng chỉ và Công ty May Lao Bảo nhận vào làm việc nên người lao động rất yên tâm.
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì sau đó doanh nghiệp này gặp khó khăn, đến năm 2020 tuyên bố giải thể, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm. “Sau khi Công ty May Lao Bảo giải thể thì lớp sơ cấp nghề May công nghiệp ở đây cũng không đào tạo được vì cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học nghề này của trung tâm không có.
Hiện trên địa bàn huyện cũng không có doanh nghiệp may mặc nên trung tâm không thể liên kết đào tạo nghề”, ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa cho biết.
Ngoài lớp May công nghiệp, lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp ở huyện Hướng Hóa còn có lớp sơ cấp nghề Kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Trung (giáo viên thính giảng của Trung tâm GDNNGDTX Hướng Hóa) thì thời gian đào tạo của nghề này tương đối ngắn (387 tiết học), trong khi đối tượng học 80% là lao động người dân tộc thiểu số nên trình độ tiếp thu kiến thức còn hạn chế.
Bên cạnh đó, máy móc, các thiết bị chuyên ngành để dạy học nghề này như: máy thủy bình, máy trộn bê tông... của trung tâm đều chưa có, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học viên.
Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi huyện Hướng Hóa, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời có sự đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng trong độ tuổi lao động. Công tác tư vấn, hướng nghiệp để người học lựa chọn các ngành nghề phù hợp, hiệu quả ngay từ khi còn là học sinh THCS, THPT cần được chú trọng.
Với đặc thù lao động tham gia học nghề ở huyện miền núi Hướng Hóa đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức, hiểu biết còn nhiều hạn chế nên cần có phương pháp, cách thức dạy nghề phù hợp, linh động.
Quá trình tuyên truyền, vận động phải giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc học nghề, từ đó tích cực tham gia. Sau chương trình dạy nghề, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cần có sự hỗ trợ, đồng hành, giúp đỡ, tạo điều kiện để lao động đã qua đào tạo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hay thụ hưởng các mô hình hỗ trợ sinh kế của các tổ chức, dự án để có cơ hội ứng dụng kiến thức, duy trì phát triển nghề đã học.
Hàng năm, địa phương cần có kế hoạch khảo sát đào tạo nghề phù hợp, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề cũng như đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy nghề.
Đối với nghề phi nông nghiệp, trung tâm dạy nghề cần chủ động mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh chứ không riêng gì doanh nghiệp địa bàn huyện Hướng Hóa để đào tạo nghề theo nhu cầu và địa chỉ rõ ràng nhằm gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động, tạo động lực thúc đẩy lao động học nghề.